Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể mắc ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi hay gặp nhất và là nguồn lây chính cho người xung quanh khi người nhiễm lao ho, khạc đờm, hắt hơi. Mặc dù, bệnh lao là bệnh có thể phòng bệnh thông qua tiêm vắc xin và điều trị được bằng thuốc kháng sinh chống lao, tuy nhiên bệnh diễn biến âm thầm nên bệnh lao vẫn là một trong các bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ nhiễm và tử vong cao trên Thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2019, toàn cầu có khoảng 10 triệu người nhiễm lao và gần 1,5 triệu người đã chết do căn bệnh nguy hiểm này.
Hiện nay, mặc dù các nước trên Thế giới đang cố gắng đẩy lùi dịch Covid- 19 do tỉ lệ lây lan rất nhanh. Nhưng chúng ta vẫn cần tích cực phát hiện và điều trị triệt để bệnh nhân mắc lao. Do bệnh lao thậm chí còn dễ lây hơn so với virus Covid- 19 và có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài.
Ngày 13/04/2020, khoa Bệnh Nhiệt Đới - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí có tiếp nhận điều trị cho anh Nguyễn T.C., sinh năm 1976, địa chỉ Phường Quảng Yên - Thị xã Quảng Yên, tiền sử khỏe mạnh. Trong khoảng 2 tháng anh C. sút 15 cân, một tháng trước vào viện anh thấy mệt mỏi nhiều, ăn kém, thường sốt nhẹ về chiều, ho nhiều đờm trắng, kèm theo ra mồ hôi về đêm. Qua thăm khám, nhận thấy bệnh nhân C. có các dấu hiệu điển hình nghi bệnh lao, Bs. Tạ Thị Chà - Khoa Bệnh Nhiệt đới đã chỉ định làm xét nghiệm đờm, xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi cho người bệnh. Qua các kết quả xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán nhiễm lao phổi kèm theo bệnh tiểu đường và được điều trị tại phòng bệnh điều trị lao riêng, dùng thuốc chống lao miễn phí theo chương trình chống lao, tư vấn sức khỏe về bệnh lao .
Như vậy trước khi nhập viện, ở ngoài cộng đồng anh C. chỉ cần ho, hay hắt hơi, các giọt bắn sẽ phát tán ra môi trường, nguy cơ lây lan sẽ rất cao nếu những người tiếp xúc không có miễn dịch. Đây chính là đường lây lan của bệnh lao vì bản thân người bệnh không biết mình mắc bệnh. Nếu anh C. không phát hiện bệnh lao sớm thì ngoài việc trở thành nguồn lây bệnh cho cộng đồng, mà vi khuẩn lao sẽ làm sức khỏe anh càng ngày suy yếu, thậm chí có thể tử vong do biến chứng nếu không được điều trị.
“Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030” là chủ đề phòng chống lao năm 2020 của nước ta
Để hưởng ứng chủ đề phong trào chống lao năm 2020 của Việt Nam: “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”, đồng thời chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chúng ta hãy cùng nâng cao nhận thức về bệnh lao về cách phòng bệnh, duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ, tuân thủ điều trị và phòng lây nhiễm cho cộng đồng khi mắc bệnh. Ngoài ra sự quan tâm, hành động của các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và cộng đồng để chiến thắng bệnh lao cũng là điều rất cần thiết.