Mang thai là điều vui mừng cho các cặp vợ chồng nhưng cũng có nhiều lo lắng đi kèm, đặc biệt là với những thai phụ đã có vết mổ đẻ cũ. Các thai phụ này cần phải có nhiều lưu ý hơn các dấu hiệu đau vết mổ cũ khi mang thai để xử lý kịp thời.

Mang thai khi có vết mổ đẻ cũ cần được quản lý thai nghén chặt chẽ
Những nguy cơ từ vết mổ đẻ cũ
Khuyết sẹo mổ cũ: là hiện tượng dịch đọng lại ở vùng eo thành trước tử cung vị trí sẹo mổ lấy thai cũ, gây tình trạng rong huyết và cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người khó có thai trở lại.
Thai bám tại sẹo mổ cũ: khi làm tổ, trứng đã được thụ tinh có thể bám vào sẹo cũ và hình thành túi thai. Khi thai nằm trên sẹo mổ cũ dẫn đến rau cài răng lược, rau tiền đạo nguy cơ chảy máu trong khi mang thai và trong lúc mổ lấy thai.
Vỡ tử cung: vỡ tử cung hoàn toàn và vỡ tử cung không hoàn toàn (đa số vỡ dưới phúc mạc).
Những điều cần lưu ý
- Khám thai khi trễ kinh để xác định tình trạng thai và vị trí túi thai trong tử cung
- Khám và quản lý thai nghén định kỳ tại cơ sở y tế uy tín để phát hiện và xử trí khi có bất thường xảy ra
- Bạn nên chú ý các dấu hiệu đau vết mổ cũ khi mang thai: đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào đau nhói lên. Khi có các dấu hiệu này là có nguy cơ nứt vết mổ cũ cần phải đến ngay Bệnh viện.
- Nếu mang thai sau khi từng sinh mổ, bạn cần nhập viện trước ngày dự sinh 1-2 tuần lễ để theo dõi sát quá trình chuyển dạ.
Tất cả các thai kỳ có sẹo mổ cũ ở tử cung cần được đánh giá cẩn thận, kiểm tra và theo dõi sát tại Bệnh viện có chuyên khoa sản, giúp phát hiện kịp thời và xử trí sớm để ngăn ngừa các biến chứng, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai.
Khoa Sản