Dị vật đường tiêu hóa là những vật do vô tình nuốt phải trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, trẻ em chơi đồ chơi…
Tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí thường xuyên tiếp nhận các trường hợp nhập viện do có dị vật đường tiêu hóa. Các dị vật thường là do vô tình nuốt phải trong lúc ăn như hạt hồng xiêm, hóc xương, răng giả… ở trẻ nhỏ thì thường là các đồ vật nhỏ, đồ chơi, đồng xu, pin…
Theo các bác sĩ khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện cho biết: Các dị vật sắc nhọn thường kẹt lại và cắm vào thành thực quản, gây loét, nặng hơn là chảy máu, áp-xe, thủng thực quản rồi lan sang các bộ phận nằm gần thực quản như: thủng cung động mạch chủ gây mất máu ồ ạt và tử vong nhanh chóng hoặc làm tràn khí màng phổi gây khó thở, thậm chí tràn vào trung thất gây áp-xe trung thất. Nếu dị vật đi qua dạ dày xuống ruột non gây biến chứng: viêm, thủng ruột non, nhiễm trùng nhiễm độc hoặc ổ áp-xe trong ổ bụng.
Các bác sĩ nội soi gắp dị vật cho người bệnh
Một trong số rất nhiều dị vật đường tiêu hóa được các bác sĩ gắp ra ngoài
Một trong số rất nhiều dị vật đường tiêu hóa được các bác sĩ gắp ra ngoài
Còn đối với các dị vật có kích thước lớn chủ yếu chèn ép các bộ phận ở gần thực quản. Triệu chứng chủ yếu là nôn ói, cảm giác nghẹn nặng ngực, trào ngược. Nếu chèn ép vào khí quản thì sẽ có triệu chứng ho, khó thở khò khè giống hen suyễn hay viêm phế quản. Nếu chèn ép vào tim sẽ gây loạn nhịp tim, tức ngực hồi hộp, thậm chí khó thở… dị vật qua dạ dày xuống ruột non gây tắc ruột.
Hiện nay, với phương tiện nội soi bằng ống mềm, các bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện dị vật và gắp dị vật ra ngoài không cần phẫu thuật đối với dị vật tại thực quản, dạ dày. Trong vòng 24 giờ sau khi gắp dị vật người bệnh nên được uống sữa lạnh và ăn cháo nguội để tránh loét thực quản.
Tổ Công tác xã hội