Bệnh cúm là tình trạng viêm đường hô hấp cấp tính thường gặp. Có các biểu hiện đặc trưng như cơ thể mệt mỏi, hắt hơi, sốt, nhức đầu, đau mỏi toàn thân, chảy nước mũi, tức ngực, khản tiếng... Bệnh thường diễn ra quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa đông ,khi thời tiết chuyển lạnh hay mưa lạnh, ẩm ướt kéo dài.
Cúm là bệnh thường gặp và đa số các trường hợp thường điều trị bằng thuốc tại nhà. Việc sử dụng thuốc không tuân theo sự chỉ định của bác sĩ có khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn và gây nguy hiểm cho người bệnh.
Hiện tại, vẫn chưa có thuốc đặc trị cúm. Đa số chỉ sử dụng thuốc làm giảm triệu chứng giúp cho người bệnh dễ chịu hơn. Khi dùng thuốc kê đơn hay không kê đơn, người bệnh cần tuân thủ uống đúng theo hướng dẫn của dược sĩ hay bác sĩ.
Bệnh cúm có biểu hiện đặc trưng như cơ thể mệt mỏi, hắt hơi, sốt, nhức đầu, đau mỏi toàn thân, chảy nước mũi, tức ngực, khản tiếng... (Hình ảnh minh họa)
Thông thường người bệnh cúm sử dụng kết hợp các nhóm thuốc như: thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm (Paracetamol, Ibuprofen...), thuốc giảm ho, long đờm (Dextromethophan, Ambroxol, Terpin codein..), thuốc kháng Histamin( Chlopheniramin, Fexofenadin...); Thuốc xịt mũi, nhỏ mũi ( Dd Natriclorid 0.9%., Xylomethazolin...). Ngoài ra, cần uống Oresol để bù điện giải cho cơ thể, bổ sung một số vitamin và khoáng chất giúp cho cơ thể tăng sức đề kháng.
Hiện nay, thị trường có rất nhiều các chế phẩm điều trị cảm cúm có chứa các thành phần thuốc trên. Nên người bệnh cần lưu ý lựa chọn kết hợp thuốc để tránh bị uống quá liều.
Đối với những thuốc chứa thành phần Chlopheniramin có tác dụng phụ gây buồn ngủ, nên người bệnh chú ý trong vận hành máy móc, tàu xe.
Nên sử dụng Dd Natriclorid 0.9% để rửa, xịt mũi nhiều lần trong ngày để làm sạch chất nhày, giúp thông thoáng đường thở. Đây là biện pháp an toàn hiệu quả. Đối với thuốc xịt điều trị nghẹt mũi cần chú ý ở người bệnh tăng huyết áp. Vì thuốc có thể khiến người bệnh tăng huyết áp. Và chỉ cần sử dụng thuốc này không quá 3 ngày.
Đối với những trường hợp người bệnh nhiễm cúm có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ thì có thể được sử dụng thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý mua, sử dụng thuốc kháng virus để giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc và lãng phí về kinh tế.
Bệnh cúm là bệnh do virus nên kháng sinh không có tác dụng. Kháng sinh chỉ có tác dụng khi bị bội nhiễm. Ngoài ra, việc tự ý sử dụng kháng sinh có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, thậm chí có thể dẫn đến vi khuẩn kháng kháng sinh.
Khi các triệu chứng bệnh thuyên giảm chưa chắc virus trong người đã bị tiêu diệt hết. Việc uống thuốc không hết đơn thuốc, tự ý ngưng dùng thuốc có thể khiến cho virus nhanh chóng quay trở lại, khiến bệnh nhanh tái phát. Nhiều trường hợp có thể bị nặng hơn, khó điều trị.
Tuyệt đối không sử dụng các bài thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa cảm cúm cho trẻ em dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, không nên cho trẻ em xông hơi bằng cách đóng kín cửa, trùm chăn để toát mồ hôi. Việc làm này dễ dẫn đến tình trạng mất nước, kiệt sức. Từ đó làm giảm sức đề kháng và có thể bị bỏng.
Thông thường, người bệnh cảm cúm chỉ cần được chăm sóc và uống thuốc đầy đủ, đúng liều, đúng loại theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ khỏi bệnh sau 3 - 5 ngày. Nếu sau 7 ngày, người bệnh không giảm hoặc tái sốt thì cần đến ngay các cơ sở y tế vì có thể cơ thể đã bị bội nhiễm vi khuẩn hoặc gặp biến chứng khó lường khác.
Tiêm phòng cúm là một trong những biện pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa mắc bệnh cúm. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng cũng là biện pháp hữu hiệu trong phòng ngừa lây mắc cúm.