Bệnh tim mạch được ví như “kẻ giết người thầm lặng”, nó là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên thế giới. Hàng năm nó cướp đi sinh mạng của 17,5 triệu người.
Hình ảnh minh hoạ
Vì vậy việc nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh tim mạch và các vấn đề liên quan đến tim mạch để có hướng xử lý kịp thời, giảm biến chứng và tử vong sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Cũng vì lẽ đó mà Liên đoàn Tim mạch Thế giới đã chọn ngày 29 tháng 9 hằng năm là Ngày Tim mạch Thế giới, nhằm vận động tất cả mọi người trên toàn cầu cùng chung tay hành động bảo vệ trái tim khỏe mạnh.
Một số yếu tố sức khỏe có nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch cần chú ý như:
-Những người có tiền sử bệnh lý: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân, béo phì, suy thận...
- Ô nhiễm môi trường;
-Do thói quen: Ít vận động thể lực, chế độ ăn uống không lành mạnh và lạm dụng rượu bia, thuốc lá...
Việc kiểm soát và khắc phục các yếu tố nguy cơ trên góp phần rất lớn vào việc phòng ngừa và khống chế bệnh tim mạch.
Ngoài ra, căng thẳng và áp lực tâm lý kéo dài làm tăng gấp đôi nguy cơ đau tim và đột quị. Vì vậy, không nên để tình trạng căng thẳng, giận dữ, lo âu quá mức trở thành thói quen xấu, ảnh hưởng đến cảm xúc và sức khỏe.
Để phòng ngừa bệnh tim mạch, mỗi chúng ta cần:
1. Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát cân nặng của mình.
2. Tăng cường ăn rau và trái cây.
3. Tích cực vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày.
4. Không hút thuốc, hạn chế rượu bia.
5. Kiểm tra huyết áp, cholesterol và glucose thường xuyên. Tăng huyết áp là yếu tố quan trọng gây khoảng một nửa số bệnh tim mạch và đột quỵ.
6. Người mắc tim mạch nên tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của bác sĩ.