Sau một năm làm việc, học hành vất vả vào những ngày cuối năm, mọi người dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tươm tất và chuẩn bị bữa cơm ngày Tết để sum họp lại bên nhau. Không chỉ là một bữa cơm bình thường, bữa cơm ngày Tết là bữa tiệc của mọi gia đình người Việt. Đây là phong tục tập quán lâu đời mang nét đẹp văn hóa của người Việt.

Ăn uống trong những ngày Tết bạn cũng cần lựa chọn thực phẩm sao cho phù hợp với sức khỏe
Đối với người mắc Đái tháo đường thì để có những bữa cơm sum vầy vui vẻ mà không lo tăng đường huyết là cả một vấn đề. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, nếu có sự hiểu biết và tuân thủ một số nguyên tắc, việc kiểm soát đường huyết nói riêng và các biến chứng do đường huyết tăng nói chung vào ngày Tết là không quá khó.
Để kiểm soát đường huyết trong dịp Tết các bác sĩ khuyên bạn như sau:
1. Kiểm soát dinh dưỡng
Nhiều món ăn truyền thống trong ngày Tết thường có quá nhiều chất béo như giò thủ, canh măng… hoặc các loại thực phẩm dễ làm tăng đường huyết như xôi, bánh chưng, đấy là chưa kể tới các loại món ăn ngọt như bánh kẹo, mứt Tết...
Vì vậy, để kiểm soát đường huyết tốt trong ngày Tết các người bệnh cần lưu ý:
* Thực phẩm nên dùng:
- Các loại tinh bột như gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn… nên chọn gạo lứt, ngũ cốc xay xát rối.
- Các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật ít béo, giàu sắt như thịt nạc, tôm, cua...
- Các loại dầu thực vật chứa axit béo không no: dầu oliu, dầu đậu nành, đậu tương và các sản phẩm chế biến từ đậu tương...
- Ăn đa dạng các loại rau, các loại quả ít đường như thanh long, bưởi, cam…
*Thực phẩm cần hạn chế sử dụng:
- Miến dong, bánh mỳ trắng.
- Các loại bột được tinh chế: bột sắn dây, bột dong.
- Giàu cholesterol như phủ tạng động vật: tim, gan, cật, mỡ động vật...
- Các loại quả có hàm lượng đường cao: nhãn, vải, na, mít, chôm chôm...
*Thực phẩm không nên dùng:
- Các loại bánh kẹo ngọt chứa nhiều đường.
- Các loại quả sấy khô.
- Nước ngọt có đường.
Trước khi vào bữa ăn, nên ăn một lượng nhỏ thức ăn nhiều chất xơ không làm tăng đường máu nhiều để tạo cảm giác no. Điều này giúp người bệnh khi vào bữa chính với các món không có lợi cho người đái tháo đường như bánh chưng, xôi, canh miến… sẽ không ăn quá nhiều. Hay trong bữa ăn chúng ta nên ăn rau trước sau đó ăn các món ăn khác. Ngoài ra, dù sinh hoạt bị đảo lộn, người bệnh vẫn cần duy trì chế độ ăn đúng bữa, các bữa ăn nên chia nhỏ với các bữa chính và bữa phụ, tránh ham vui mà dẫn đến tình trạng ăn uống mất kiểm soát.
2. Đừng bỏ qua tập luyện

Vào những ngày Tết, chúng ta thường lơ là việc tập luyện. Tuy nhiên, đối với người bệnh đái tháo đường việc “quên” luyện tập sẽ khiến cho đường huyết tăng lên. Vì vậy duy trì luyện tập ngay cả vào dịp Lễ Tết là điều các bác sỹ khuyên người bệnh đái tháo đường thực hiện. Có thể lựa chọn những môn thể thao cần hoạt động tay chân nhiều và đều đặn như chạy bộ, đi bộ, đi xe đạp hay bơi lội… đều đặn ít nhất 5 ngày mỗi tuần, mỗi ngày ít nhất 30 phút. Ngoài ra, người bệnh có thể thay tập luyện ngoài trời bằng luyện tập trong nhà như đi lại và tập những bài tập vận động cơ bản.
3. Uống thuốc điều trị tiểu đường đầy đủ, khoa học
Không chỉ với Tết mà ngay cả những ngày bình thường, bạn cũng cần phải nhớ nguyên tắc sử dụng thuốc đúng liều, đúng giờ.
4. Đo đường huyết thường xuyên
Việc đo đường huyết cần được thực hiện thường xuyên ngay cả vào dịp lễ Tết. Máy đo đường huyết cá nhân sẽ giúp người bệnh có con số chính xác về sự thay đổi của đường huyết để có điều chỉnh phù hợp.