1. Đại cương
- Tiểu tiện không tự chủ là một chứng bệnh của bất cứ hiện tượng rỉ tiểu nào mà người bệnh không kiểm soát được. Để theo dõi tiểu tiện không tự chủ, cần ghi lại thời gian đi tiểu của người bệnh, thể tích nước tiểu, số lần tiểu không kiểm soát, số bỉm được dùng và các thông tin khác như lượng nước uống vào, mức độ tiểu cấp, mức độ rỉ tiểu.
Tiểu tiện không tự chủ là hiện tượng rỉ tiểu mà người bệnh không kiểm soát được (Hình ảnh minh hoạ)
- Có 3 thể tiểu không tự chủ:
+ Tiểu tiện không tự chủ khi gắng sức
+ Tiểu tiện không tự chủ cấp
+ Tiểu tiện không tự chủ thể hỗn hợp
2. Nguyên nhân
- Thực phẩm: uống nước quá nhiều, uống rượu, cà phê, ăn thức ăn chua…
- Thuốc: Các loại thuốc tim mạch, thuốc hạ huyết áp, thuốc giảm đau và một số thuốc khác có thể làm kích thích bàng quang.
- Thay đổi do tuổi tác: Sự lão hóa cơ bàng quang ở người già dẫn tới giảm khả năng chứa của bàng quang và bàng quang tăng hoạt.
- Mang thai và sau sinh, cắt tử cung.
- Nhiễm khuẩn tiết niệu, táo bón, phì đại lành tính tiền liệt tuyến…
3. Điều trị phục hồi chức năng
Nguyên tắc
- Điều trị tiểu tiện không tự chủ phụ thuộc vào loại rỉ tiểu, mức độ và nguyên nhân gây bệnh
- Thường phối hợp nhiều phương pháp để điều trị
- Đầu tiên điều trị không xâm lấn, cố gắng thay đổi hành vi, phục hồi chức năng. Nếu các biện pháp này không thành công mới áp dụng phương pháp khác
Điều trị phục hồi chức năng
- Thay đổi hành vi: thay đổi hành vi, lối sống sẽ cho kết quả tốt trong một số trường hợp tiểu tiện không tự chủ
- Tập luyện bàng quang: có thể điều trị đơn độc hoặc phối hợp với các phương pháp khác như kích thích điện và thay đổi hành vi. Tập bàng quang được chỉ định tốt cho kiểm soát rỉ tiểu gấp, khi người bệnh có cảm giác tiểu gấp
- Tập cơ đáy chậu: làm khỏe nhóm cơ thắt niệu đạo, cơ đáy chậu, nhóm cơ nâng giúp kiểm soát tiểu tiện
- Kích thích điện: điện được đưa vào trong âm đạo hoặc trực tràng để kích thích bàng quang. Kích thích điện cho hiệu quả khá tốt, giúp các nhóm cơ đáy chậu mạnh hơn, cải thiện hiện tượng rỉ nước tiểu, rỉ nước tiểu cấp. Phương pháp này đòi hỏi kiên trì, áp dụng liên tục, kéo dài, kết hợp với nhiều phương pháp khác.
Khoa Phục hồi chức năng
***Nguồn: “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuyên ngành Phục hồi chức năng”- Nhà xuất bản Y học