Tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng chính là phương pháp điều trị sỏi niệu quản phổ biến hiện nay, sử dụng nguồn năng lượng từ Laze để phá vỡ sỏi thành nhiều mảnh nhỏ và dễ dàng lấy ra ngoài.

Hình minh họa
Quá trình tán sỏi được thực hiện nhanh chóng và hầu như không gây nhiều đau đớn cho người bệnh. Sau khi tán sỏi thì vấn đề chăm sóc và dự phòng cần lưu ý bởi nếu chăm sóc không đúng cách có thể gây ra các biến chứng như viêm đường tiết niệu hoặc khiến bệnh tái phát trở lại.
Hãy cùng lắng nghe lời khuyên của các bác sĩ Khoa Ngoại thận – tiết niệu Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
Người bệnh cần tái khám khi nào?
Người bệnh sau tán sỏi niệu quản khi ra viện nếu xuất hiện một số bất thường sau cần tới các cơ sở y tế để tiến hành thăm khám kịp thời:
- Xuất hiện cơn đau thắt lưng tại bên tán sỏi. Cơn đau lan xuống bẹn và cơ quan sinh dục, mức độ tăng dần và xuyên ra sau lưng.
- Tiểu buốt, tiểu khó, tiểu máu.
- Sốt là một dấu hiệu của nhiễm khuẩn tiết niệu cần phải đến khám sớm nhất có thể.
- Đến rút sonde theo hẹn.
Dự phòng sỏi tiết niệu cần ăn uống lành mạnh
- Chế độ ăn uống có lợi cho đường tiết niệu để nhanh chóng tống xuất các nhân sỏi nhỏ, mảnh sỏi vụn, cặn máu, dịch máu tới bàng quang.
- Cần hạn chế chất béo, dầu mỡ
- Hạn chế ăn mặn, muối trong bữa ăn
- Tránh đồ ăn khó tiêu, cứng để giảm co bóp dạ dày
- Kiêng các loại đồ uống như: cà phê, bia, rượu, trà đặc.
- Hạn chế đồ uống có ga.
Người bệnh nên:
- Bổ sung các thực phẩm giàu canxi.
- Các loại nước uống và thực phẩm lợi tiểu như: rau cải, rau cần tây, củ cải đường, cam, chanh, nước ngô non luộc hay nước đậu đen, nước râu ngô…
- Ngoài ra mỗi ngày người bệnh nên bổ sung từ 2-3 lít nước cho cơ thể. Cần tiểu ngay khi có nhu cầu, tuyệt đối không nhịn tiểu.