Xét nghiệm tìm cầu khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) gây bệnh ngộ độc thực phẩm
1. Giới thiệu:
Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) gây bệnh ngộ độc thực phẩm cho người qua đường tiêu hoá. Bệnh có thể phát triển thành dịch.
Tụ cầu vàng có tên khoa học Staphylococcus aureus (S.aureus) là vi khuẩn hình cầu, đường kính 0,8 - 1 mm, thường đứng với nhau thành đám giống như chùm nho, không di động, không có nha bào và bắt màu Gram (+)…
S. aureus sống tồn tại trong tự nhiên và thường ký sinh trên da, niêm mạc và hốc tự nhiên của người bình thường. Chúng có thể gây bệnh cơ hội khi có tổn thương hoặc nhiễm trùng phối hợp.
Ở thực phẩm giàu chất đạm, chất béo (thịt gia súc, gia cầm, cá…) hoặc thực phẩm có hàm lượng nước cao, có nhiều tinh bột và nhiệt độ bảo quản thực phẩm không đảm bảo dễ bị nhiễm S.aureus.
Một số thực phẩm dễ bị nhiễm S. aureus
Ngộ độc thực phẩm do S.aureus là bệnh truyền nhiễm cấp tính do cầu khuẩn S.aureus gây nên. Khi người bệnh bị ngộ độc thực phẩm do S.aureus, các triệu chứng buồn nôn và nôn kèm theo đau quặn bụng thường khởi phát nhanh chóng, trong vòng vài giờ sau khi ăn uống.
2. Khả năng nhiễm vào thực phẩm và gây bệnh của S. aureus rất lớn, do chúng phân bố ở khắp nơi và có khả năng sinh độc tố. Độc tố có tính chịu nhiệt độ cao (ở 1000C phải cần 1-2 giờ mới bị phá hủy), ở nhiệt độ thấp, độc tố của tụ cầu vàng có thể duy trì được trên 2 tháng và độc tố này không làm thay đổi mùi vị của thức ăn.
S.aureus thường có ở trên bề mặt da do khả năng chịu được độ ẩm thấp và nồng độ muối cao. Vi khuẩn S.aureus có khả năng sống sót trên các môi trường khô và có nhiều chất ức chế như mũi người, da và các bề mặt môi trường, quần áo. Nó có thể xâm nhập vào sâu trong tế bào da do bị bỏng, có các vết thương hở, có vết côn trùng cắn hoặc bị mắc các bệnh về da như trứng cá, vẩy nến, eczema... tạo thành các mụn mủ trên da, các ổ apxe. Khi mụn mủ hoặc ổ apxe vỡ sẽ giải phóng ra vi khuẩn và độc tố.
S. aureus thường có ở trên bề mặt da và có thể tạo thành các mụn mủ trên da, các ổ apxe
3. Đường lây truyền
Ngộ độc thực phẩm do S.aureus chủ yếu là do bàn tay người chế biến thực phẩm, tiếp theo là do quá trình bảo quản không thích hợp.
Tuy nhiên, S.aureus cũng có mặt trong các thực phẩm nguồn gốc động vật, sữa động vật, đặc biệt sữa vắt từ các động vật bị viêm vú. Không khí, bụi và các bề mặt tiếp xúc cũng là đường truyền S.aureus vào thực phẩm.
4. Cơ chế gây ngộ độc
S.aureus khi nhiễm vào thực phẩm 4-5 giờ sẽ sản sinh ra ngoại độc tố, độc tố này không bị men tiêu hóa phá hủy. Khi người sử dụng thực phẩm nhiễm độc tố của S.aureus, độc tố này nhanh chóng thấm vào niêm mạc dạ dày, ruột vào máu dẫn đến các triệu chứng: Buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và chóng mặt.
5. Triệu chứng ngộ độc do S. aureus
Ngộ độc thực phẩm do S.aureus có thể là do một hoặc nhiều độc tố ruột gây ra. Triệu chứng thường xuất hiện rất nhanh (sau 2 - 8 giờ, đôi khi sau 30 phút) bao gồm buồn nôn, nôn mửa dữ dội, đau quặn bụng, có hoặc không tiêu chảy, đau đầu, mạch nhanh, nhiệt độ vẫn bình thường hoặc hơi sốt. Trong tất cả các trường hợp bị tiêu chảy thì luôn kèm theo nôn.
Ngộ độc do độc tố S.aureus, nếu bị nhẹ sẽ khỏi hoàn toàn sau 1-2 ngày, ít khi có tử vong. Tuy nhiên đôi khi có thể phải nhập viện, đặc biệt với trẻ em, người già hoặc người suy giảm miễn dịch.
6. Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán
6.1. Nhuộm soi bệnh phẩm dịch phế quản, dịch màng phổi, phân/chất nôn… Nhuộm soi cho kết quả thấy hình ảnh vi khuẩn bắt màu Gram dương, tập trung giống hình chùm nho.
6.2. Nuôi cấy và phân lập vi khuẩn S. aureus
Bệnh phẩm dùng để nuôi cấy có thể là máu, dịch phế quản, phân/chất nôn, dịch sinh học khác… Kết quả nuôi cấy dương tính với S. aureus có thể đánh giá tính nhạy cảm kháng sinh của chủng S.aureus nuôi cấy được, từ đó giúp ích cho việc lựa chọn kháng sinh điều trị bệnh.
Chẩn đoán nhiễm trùng do S.aureus cần dựa vào khai thác các yếu tố tiền sử, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Trong đó, nuôi cấy các bệnh phẩm vô khuẩn (máu, dịch phế quản, phân/chất nôn, dịch sinh học khác…) cho kết quả dương tính với S.aureus là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán.
Khoa Vi Sinh, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí đã triển khai xét nghiệm tìm S.aureus (cả nhuộm soi và nuôi cấy) trong các bệnh phẩm vô khuẩn (máu, dịch phế quản, phân/chất nôn…) của người bệnh theo phương pháp thường quy, định danh và làm kháng sinh đồ tự động trên máy Vitek Compark II để hỗ trợ cho việc chẩn đoán và điều trị cho người bệnh nhanh chóng, chính xác, kịp thời và hiệu quả.
7. Biện pháp phòng ngừa
7.1. Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ
Nội dung tuyên truyền gồm:
- Đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước, xử lý phân, rác triệt để, hợp vệ sinh.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
7.2. Vệ sinh phòng bệnh
- Không để những người bị viêm xoang, viêm mũi họng, có mụn ở tay tiếp xúc với nguyên liệu thực phẩm.
- Thực hiện 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn:
+ Chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn;
+ Thực hiện “ăn chín uống sôi”. Ngâm kỹ rửa sạch, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng;
+ Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín;
+ Che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi nấu chín;
+ Đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng;
+ Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín;
+ Rửa tay đúng cách trước khi chế biến thức ăn, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến; Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ ô nhiễm khác;
+ Bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh;
+ Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng, quá hạn;
+ Sử dụng nguồn nước sạch an toàn trong chế biến thực phẩm.