Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh rất phổ biến ở trẻ em và dễ lây lan. Bệnh xuất hiện rải rác quanh năm, nhưng mùa hè là thời điểm bệnh TCM gia tăng nhanh. Khi mắc bệnh, trẻ có thể tự khỏi sau 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nặng nếu không được điều trị đúng cách có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.
Chỉ riêng từ đầu tháng 7 đến nay, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận khám cho khoảng hơn 20 trường hợp mắc TCM, trong đó có 12 trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị với chẩn đoán TCM mức độ 2.
Chị Trần Thị T., mẹ của bệnh nhi Nguyễn Phú Q., 2 tuổi, địa chỉ tại phường Thanh Sơn, TP. Uông Bí đang điều trị TCM tại khoa Nhi Bệnh viện cho biết từ chiều chủ nhật chị thấy con sốt cao đến 40 độ nhưng không thấy nổi ban nên không nghĩ con bị TCM. Đến thứ 2 con có hiện tượng đau miệng, kém ăn và đến ngày thứ 3 kiểm tra thấy xuất hiện vết loét ở miệng. Lúc này chị T. mới nghĩ con mình mắc TCM, lại kèm theo sốt cao đã đưa con đến khám và được nhập viện điều trị.
Bệnh nhi Nguyễn Phú Q., 2 tuổi đang điều trị TCM độ 2 tại khoa Nhi Bệnh viện
Trường hợp bệnh nhi Phạm Thị K. N., 11 tháng tuổi, địa chỉ tại Mạo Khê, Thị xã Đông Triều mới được nhập viện sáng ngày 17/7/2020 với chẩn đoán TCM độ 2a. Theo lời mẹ bệnh nhi, sáng ngày 16/7/2020 trẻ sốt 38,3. Có lúc sốt cao đến 39,2 độ trẻ có hiện tượng giật mình 1,2 lần trong khi ngủ. Trẻ được cho uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ đã nhập viện điều trị.

Các nốt ban trên miêng, lòng bàn tay, lòng bàn chân… khi trẻ mắc TCM
Các nốt ban trên miêng, lòng bàn tay, lòng bàn chân… khi trẻ mắc TCM
Các nốt ban trên miêng, lòng bàn tay, lòng bàn chân… khi trẻ mắc TCM
Khi mắc TCM, nếu được chăm sóc đúng cách, các triệu chứng sốt, mệt mỏi, kém ăn… sẽ giảm dần và trẻ tự khỏi bệnh sau khoảng 5-7 ngày. Tuy nhiên trong các trường hợp nặng có thể xuất hiện các hiện tượng như giật mình; Sốt cao liên tục không hạ; Co giật; Run chân tay, trẻ đi loạng choạng, hay ngã; Khó thở…. Lúc này, trẻ cần được nhập viện điều trị ngay để tránh các biến chứng về não, tim, phổi…
Theo BSCKI. Đào Thị Loan - Phó Trưởng khoa Nhi cho biết, bệnh TCM có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Các trường hợp bệnh nhi khi đến viện đều được điều trị theo phác đồ: điều trị kháng sinh phòng bội nhiễm, thuốc Gardenal, hạ sốt, bù nước điện giải, điều trị các vết viêm loét miệng, vệ sinh da tránh bội nhiễm… Sau điều trị sức khỏe trẻ đều tiến triển tốt, tránh được biến chứng và thường được xuất viện sau khoảng 1 tuần điều trị.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh TCM, do đó Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không nhai/mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
5. Cách ly trẻ với những người đang mắc bệnh hoặc nghi ngờ bị TCM.
6. Trong 10-14 ngày đầu khi nhiễm TCM, cha mẹ cần cách ly trẻ tại nhà, không để trẻ đến trường học hay những nơi đông người.
7. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế.