Xe đạp tập là dụng cụ tập luyện trong Phục hồi chức năng để làm gia tăng sức mạnh cơ cũng như tầm vận động chi dưới, tăng khả năng giữ thăng bằng của người bệnh. Thiết bị được đặt cố định, có cấu trúc như xe đạp nhưng không có bánh xe, có thể điều chỉnh được lực kháng trở tùy theo khả năng và sự tiến triển của người bệnh. Một số xe đạp tập có cấu tạo để tập cả chi trên.
Hình ảnh các xe đạp tập tại khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí
Hiện nay ở các phòng tập Gym hoặc ở nhiều gia đình cũng có loại xe đạp tập tại chỗ. Đối với người khỏe mạnh, đạp xe cũng là một cách tập luyện rất tốt, tuy nhiên đối với một số trường hợp người bệnh sẽ cần phải được thăm khám, có chỉ định đạp xe và phải được theo dõi để tránh các tai biến xảy ra.
1. Chỉ định
- Di chứng sau tai biến mạch máu não
- Di chứng sau chấn thương sọ não
- Di chứng sau chấn thương cột sống, tổn thương tủy sống
- Thoái hóa khớp gối, háng
- Hạn chế vận động khớp cổ chân, gối, háng sau chấn thương hoặc phẫu thuật

Hình ảnh người bệnh sau phẫu thuật dây chằng chéo khớp gối được hướng dẫn tập với xe đạp tập tại khoa Phục hồi chức năng
2. Chống chỉ định
- Người bệnh tăng huyết áp, suy tim, bệnh phổi gây khó thở
- Người bệnh mất nhận thức, không hợp tác
- Người bệnh sau tai biến, chấn thương mới chưa ổn định
3. Những sai lầm thường gặp khi tập luyện với xe đạp
- Điều chỉnh vị trí yên ngồi, tay cầm không phù hợp: Việc ngồi quá cao hay quá thấp, khom người khi đạp xe sẽ gây ra khó khăn trong tập luyện, không đạt được hiệu quả tốt nhất, thậm chí còn khiến cho người bệnh đau lưng, đau vai, đau gối nếu như duy trì tập ở tư thế đó lâu.
- Hít thở sai cách khi đạp xe: Hít sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng sẽ giúp cung cấp nhiều oxy hơn, giúp tăng hiệu quả bài tập.
- Không thư giãn cơ sau khi tập đạp xe
- Đạp xe quá lâu, đạp quá nhanh, đạp quá sức: Đa số người tập đều có suy nghĩ tập nhiều sẽ tốt, tuy nhiên thời gian đạp xe và lực kháng trở của xe cần phải được thực hiện theo sự hướng dẫn của các chuyên gia để đảm bảo an toàn và tiến triển tốt cho người bệnh.
4. Theo dõi người bệnh đạp xe
- Theo dõi biểu hiện quá sức ở người bệnh
- Theo dõi huyết áp, mạch của người bệnh
- Theo dõi sự tiến triển của người bệnh để tăng hoặc giảm lực kháng trở
Người bệnh cần tư vấn và điều trị Phục hồi chức năng bằng xe đạp tập vui lòng liên hệ: Khoa Phục hồi chức năng, tầng 1 tòa nhà DIII, bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
CN. Trần Khánh Linh - Khoa Phục hồi chức năng
***Tài liệu tham khảo:
- "Hướng dẫn quy trình khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành PHCN" – Bộ y tế