Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trẻ em được tính từ lúc mới sinh đến khi 18 tuổi, trong đó các nhóm tuổi cần có những lưu ý đặc biệt về sử dụng thuốc là: Sơ sinh (từ 0 đến 28 ngày tuổi), nhũ nhi (1-12 tháng tuổi) và trẻ em (1-12 tuổi). Riêng độ tuổi từ 12 tuổi trở lên chỉ định và liều dùng của đa số các thuốc được tính như người lớn.
Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi rất nhạy cảm với một số nhóm thuốc. Đặc điểm này liên quan đến sự phát triển chưa hoàn chỉnh của một số cơ quan như hệ thần kinh trung ương, hệ tim mạch, … Mặt khác, khó khăn trong sử dụng thuốc cho trẻ em là lớp tuổi này không được phép đem vào thử nghiệm lâm sàng trước khi cấp phép lưu hành với một thuốc mới. Do đó cần phải đặc biệt coi trọng việc kê đơn cũng như dùng thuốc cho trẻ em.
Trẻ em thường nhạy cảm với một số nhóm thuốc
Một số điểm cần lưu ý đối với phụ huynh khi dùng thuốc cho trẻ:
- Liều lượng thuốc dùng cho trẻ nhỏ được tính theo cân nặng của trẻ do đó phụ huynh cần nắm rõ cân nặng của trẻ.
- Thời gian và khoảng cách giữa các lần dùng thuốc cho trẻ cũng rất quan trọng, có thuốc được chỉ định khi đói bụng, có thuốc được chỉ định sau khi ăn. Với trẻ cần sử dụng thuốc vào thời điểm khác nhau trong ngày phụ huynh cần ghi nhớ thời điểm bác sĩ chỉ định trên đơn thuốc để sử dụng cho đúng.
- Dụng cụ đong thuốc cho trẻ cũng cần được lưu ý vì có ảnh hưởng đến liều lượng thuốc dùng cho trẻ:
+ Đối với dạng thuốc lỏng (siro, dung dịch, nhũ dịch,…): cần sử dụng cốc đong, thìa đong có chia vạch (thường đi kèm sản phẩm), không sử dụng thìa, muỗng ăn thông thường.
+ Với dạng thuốc lỏng có chứa ống đếm nhỏ giọt thuốc: lọ thuốc nào phải dùng ống nhỏ ấy, không được dùng ống nhỏ của lọ thuốc này để đếm ở lọ thuốc khác.
- Đối với dạng thuốc lỏng (hỗn dịch thuốc) nếu nhãn thuốc hoặc đơn thuốc yêu cầu “Lắc trước khi dùng” thì cần lắc đều lọ thuốc liên tục trong ít nhất 30 giây để thuốc phân tán đều đảm bảo được liều dùng của thuốc trong quá trình sử dụng.
- Thuốc ở dạng lỏng sau khi mở nắp cần lưu ý hạn dùng (hạn sử dụng sau khi mở nắp - thường là trong ngày hoặc một vài ngày). Khi hạn này hết, phần không dùng hết cần bỏ đi cho dù hạn dùng ghi trên nhãn bao bì chưa hết.
- Cách cho trẻ uống thuốc:
+ Đối với trẻ sơ sinh: Cho trẻ uống thuốc dạng lỏng, để trẻ ở vị trí giống như khi trẻ bú mẹ, từ từ cho thuốc vào một bên má của trẻ (không nên cho thuốc vào ngay cuống họng của trẻ để tránh bị ho, sặc, nghẹt thở..), sau đó dùng tay ấn nhẹ bên má để thuốc được trẻ nuốt vào. Hoặc dùng núm vú cao su để cho trẻ uống thuốc (tráng bình bằng nước lọc rồi cho trẻ bú tiếp để đảm bảo đủ liều).
+ Đối với trẻ lớn hơn: Có thể dùng thuốc dạng viên nén, viên nang. Phụ huynh có thể nghiền nhỏ hoặc tháo nang để pha thuốc cho trẻ uống nếu thấy trẻ uống thuốc dễ dàng hơn. Tuy nhiên cần hỏi lại bác sĩ/dược sĩ xem loại thuốc nào có thể nghiền/tháo nang thuốc vì không phải loại thuốc nào cũng có thể làm như vậy. Các thuốc này sau khi pha cần được cho trẻ dùng ngay không để lâu. Tránh làm phân huỷ/biến đổi hoạt chất thuốc ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
- Với thuốc có vị đắng, phụ huynh nên cho trẻ ngậm một ít nước đá nhỏ, nhiệt độ lạnh sẽ giúp trẻ không còn cảm nhận được vị đắng. Không tự ý thêm sữa, nước trái cây hoặc thuốc khác vào dạng thuốc lỏng đã pha để tránh tương tác bất lợi.
- Không nên “đánh lừa” trẻ bằng cách nói thuốc là kẹo, bánh, chè,… để tránh cho trẻ thấy thuốc nghĩ là kẹo, chè,… và tự ý uống gây ngộ độc.
- Vì một lý do nào đó phụ huynh quên cho trẻ dùng thuốc, hãy cho trẻ dùng thuốc ngay sau khi nhớ ra. Nếu thời điểm nhớ ra gần với thời điểm dùng liều kế tiếp thì bỏ qua liều đã quên và chờ đến thời điểm dùng liều kế tiếp để dùng thuốc cho trẻ (Không dùng gấp đôi liều thuốc).
Tất cả các loại thuốc đều phải để tránh xa tầm với của trẻ em (Hình ảnh minh hoạ)
- Thời gian dùng thuốc dài hay ngắn phụ thuộc vào bệnh do đó cần phải theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý ngừng thuốc khi thấy trẻ khoẻ mạnh trở lại cũng như không tự ý tăng liều hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc khi thấy trẻ còn yếu.
- Trước khi cho trẻ uống thuốc cần vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng. Tất cả thuốc đều phải để tránh xa tầm với của trẻ em.
- Cần kiểm tra hạn sử dụng của thuốc trước khi dùng cho trẻ, đặc biệt là các thuốc được dự trữ tại nhà.