So với nhiều đơn vị bệnh viện cùng tuyến và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, lưu lượng người bệnh đến khám, điều trị bệnh tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí luôn ở mức cao. Trung bình mỗi năm có đến trên dưới 150.000 người đến khám bệnh, 15 - 20.000 người điều trị nội trú. Điều này khiến cho bệnh viện không tránh khỏi tình trạng quá tải, công suất giường bệnh luôn vượt 100% và nhiều người bệnh đã phải nằm ghép giường. Để cải thiện thực tế này, trong những năm ần đây Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã tiến hành nhiều biện pháp giảm tải hiệu quả.
|
Khoa khám bệnh mới đưa vào sử dụng từ đầu tháng 7 vừa qua đã góp phần giảm tải cho Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí.
|
Giải pháp đầu tiên của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí nhằm giảm tải giường bệnh là việc điều trị ngoại trú các bệnh mãn tính vào năm 2007. Thời điểm đó bệnh viện đang quản lý gần 2.000 hồ sơ bệnh nhân mắc các bệnh về tiểu đường, tăng huyết áp... Với những bệnh nhân nhẹ, thay vì điều trị nội trú tại bệnh viện thì hàng tháng các bệnh nhân được khám, cấp thuốc và tư vấn để có thể tự theo dõi tình hình bệnh tại nhà. Nhờ vậy bệnh viện dành được thêm hàng trăm giường cho các bệnh nhân khác. Bác Đỗ Thị Hiên, khu 1, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí, một bệnh nhân tiểu đường được Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí điều trị ngoại trú tại nhà cho biết: Bệnh của chúng tôi tuy hay có biến chứng nhưng không phải lúc nào cũng đau yếu, không phải lúc nào cũng phải nằm viện. Nếu biết cách tự theo dõi tình hình bệnh, uống thuốc, phòng tránh nguy cơ đúng cách thì bản thân chúng tôi cũng nắm bắt được diễn biến bệnh tật của mình. Bởi vậy, việc điều trị ngoại trú khá phù hợp với chúng tôi, và quan trọng còn giảm tải được cho bệnh viện, giành chỗ cho những bệnh nhân nguy kịch khác...”.
Cùng với đó, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển rất tích cực thực hiện nhiệm vụ tăng cường cán bộ hỗ trợ tuyến dưới. Hàng tháng, hàng chục y, bác sĩ giỏi của bệnh viện trực tiếp chuyển giao những kỹ thuật khám, chữa bệnh mới cho một số bệnh viện tuyến tỉnh, huyện ở Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”, các y, bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã hướng dẫn các kỹ năng khám, điều trị bệnh mới nhất, hiệu quả nhất cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến dưới. Ngoài ra còn hỗ trợ tuyến dưới bằng cách cử các kíp cấp cứu xuống phối hợp và cung cấp máu khi có nhu cầu. Với những sự giúp đỡ trên, đến thời điểm này các cơ sở y tế địa phương nói trên đã từng bước nâng cao năng lực khám chữa bệnh, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân, hoàn toàn có thể tự thực hiện những phác đồ điều trị hiệu quả. Bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Trưởng Khoa Nhi hô hấp, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, người đang tham gia chương trình xử trí lồng ghép trẻ bệnh cho Bệnh viện huyện Vân Đồn khẳng định: “Thực tế những hoạt động trợ giúp này đã và đang góp phần không nhỏ giúp các đơn vị y tế tuyến dưới ngày càng tạo được lòng tin của người bệnh, số bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh đông hơn. Điều này cũng có nghĩa giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, trong đó có Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí”.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh, từ năm 2008 đến nay, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí không ngừng nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, đặc biệt là tăng số phòng điều trị và giường bệnh. Năm 2010 vừa qua, bệnh viện đã đưa vào sử dụng thêm một khu điều trị nội trú với công suất 200 giường bệnh; xây dựng mới khu phòng khám và chuyển khu phòng khám cũ thành phòng điều trị với hơn 30 giường bệnh. Ngoài ra bệnh viện luôn có gần 200 giường lưu động, đây cũng là số giường bệnh dự trữ để có thể kê thêm phục vụ bệnh nhân khi cần thiết. Nhờ vậy, đến nay số giường bệnh của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã được nâng lên đáng kể với tổng số 750 giường.
Với những nỗ lực trên, đến thời điểm này tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép giường ở Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã được cải thiện rất nhiều. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết: “Mặc dù hiện nay công suất sử dụng giường bệnh vẫn ở mức tối đa, song việc 2 người bệnh phải nằm ghép một giường đã được hạn chế. Cá biệt có một vài khoa do đặc thù bệnh và lứa tuổi, hoặc vào các dịp có dịch bệnh bùng phát và lan rộng, số bệnh nhân nhập viện đông đột biến thì bệnh viện mới tạm thời thiếu giường. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi đều có biện pháp giải quyết hợp lý, không để tình trạng nằm ghép này quá 3 ngày”.
Hiện nay, dự án mở rộng, cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã được UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Theo đó quy mô bệnh viện sẽ được mở rộng lên hơn 20ha với nhiều trung tâm chức năng khám chữa bệnh chất lượng cao, trong đó đặc biệt số giường bệnh sẽ được nâng lên gấp 1,5 - 2 lần hiện nay. Trước mắt là thêm 200 giường bệnh ở Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng; 120 giường bệnh ở Trung tâm Can thiệp và Phẫu thuật tim mạch; 140 giường bệnh ở Trung tâm Nhi khoa. Với dự án này, trong tương lai không xa Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí sẽ xứng tầm là một bệnh viện đa khoa loại I, đủ sức đáp ứng những nhu cầu cao nhất của người bệnh.
Theo Thanh Bình – Báo Quảng Ninh