Loãng xương là vấn đề thường gặp ở tuổi trung niên trở lên, người có thể trạng kém phát triển, ít hoạt động thể chất và thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Đây là tình trạng suy giảm về khối lượng và mật độ xương, thường diễn ra âm thầm bắt đầu từ sau tuổi 30 dẫn đến hậu quả nặng nề nhất là nứt và gãy xương. Tuy nhiên bệnh gần như rất ít biểu hiện, khiến mọi người thường chủ quan. Và thực tế hiện nay ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh lý này.
Do vậy, việc dự phòng các yếu tố nguy cơ gây loãng xương sớm, trong đó kiểm tra xác định tình trạng loãng xương để có biện pháp khắc phục là rất quan trọng.
Hiện nay, bênh cạnh các phương pháp đánh giá tình trạng loãng xương như siêu âm, đo T-score..., đo mật độ xương bằng phương pháp đo hấp phụ tia X năng lượng kép (DEXA- Dual Energy X-ray Absorptiometry) là phương pháp đo mật độ xương mới nhất và được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Với ưu điểm là phương pháp không xâm lấn, đơn giản và cho kết quả nhanh chóng, độ chính xác cao, lên đến 80%- 99%, Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã triển khai thực hiện phương pháp này, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân về bệnh lý loãng xương.
Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA là phương pháp không xâm lấn, đơn giản và cho kết quả nhanh chóng, độ chính xác cao
Người bệnh được đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA tại Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí
Những ai nên thực hiện phương pháp?
- Phụ nữ từ 45-50 tuổi có nguy cơ cao đối với loãng xương loại I
- Tuổi cao (đặc biệt là những người trên 65 tuổi, cả nam và nữ)
- Phụ nữ sau mãn kinh 5 năm mà không dùng hooc môn thay thế; Mãn kinh sớm hoặc tắt kinh trước thời kỳ mãn kinh.
- Thiểu năng tuyến sinh dục, cường giáp tiến triển, cường vỏ thượng thận, và cường giáp tiên phát.
- Thói quen sinh hoạt: thường ăn thức ăn có ít Canxi hoặc vitamin D hay thiếu cả hai; ít vận động và ít tập thể dục, nghiện rượu, hút thuốc...
- Có các bệnh mãn tính và dùng thuốc điều trị như: Thuốc điều trị rối loạn nội tiết, điều trị suy tủy, rối loạn collagen, bệnh dạ dày ruột, dùng corticoid kéo dài…
- Bệnh nhân sau phẫu thuật xương khớp.
- Bệnh nhân cơ nghi ngờ lún xẹp đốt sống, giảm chiều cao, gù vẹo đối sống.
Không thực hiện phương pháp đối với các trường hợp:
- Phụ nữ có thai.
- Có kim loại tại vị trí cần đo.
- Dùng chất cản quang đường uống/tiêm tĩnh mạch trong vòng 3 ngày.
Để thực hiện phương pháp này, người bệnh sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn thực hiện các bước sau:
- Người bệnh được giải thích về kỹ thuật.
- Người bệnh nằm hoặc ngồi đúng tư thế, tùy vị trí cần đo.
- Tháo bỏ các vật dụng kim loại, nhựa: thắt lưng, chìa khóa, đồng hồ, điện thoại di động... có ảnh hưởng đến kết quả đo.
- Phối hợp bất động tuyệt đối khi đo.
Để có khung xương chắc khỏe, phòng ngừa loãng xương, mỗi người cần điều chỉnh thói quen, lối sống của mình: Có chế độ ăn cung cấp đủ lượng canxi mỗi ngày qua nguồn thức ăn giàu canxi như sữa, rau xanh, hải sản, các sản phẩm từ đậu nành, ngũ cốc, hoa quả tươi, không sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích..., tích cực tập luyện, vận động... Khi thấy có những biểu hiện của bệnh loãng xương, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn khám và điều trị kịp thời.