Đau đầu do thay đổi thời tiết là một tình trạng xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là với người lớn tuổi. Thậm chí, một số người còn “ví” cơ thể mình giống như một “cỗ máy dự báo thời tiết” bởi cơ thể họ rất nhạy cảm với những thay đổi từ môi trường bên ngoài. Đau đầu khi thay đổi thời tiết sẽ có điểm chung là cơn đau có khi âm ỉ, tê buốt hoặc đau dữ dội, choáng váng, lan xuống cả hốc mắt, mũi… Những cơn đau dạng này thường xảy ra trước, trong và sau khi thời tiết khắc nghiệt (quá nóng, quá lạnh); thay đổi thời tiết đột ngột (đang nắng chuyển mưa bất chợt). Những thay đổi đột ngột về thời tiết báo hiệu cơn đau nửa đầu hoặc đau đầu sắp xảy ra ở một số người và có thể đóng vai trò như một cảnh báo sớm.

Đau đầu do thay đổi thời tiết là một tình trạng xảy ra khá phổ biến(Hình ảnh minh hoạ)
Nhưng liệu thực sự có mối tương quan nào giữa thay đổi thời tiết và chứng đau đầu hay không? Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Neurology (Viện Nghiên cứu Thần kinh Hoa Kỳ), với mức tăng nhiệt độ khoảng 5°C, thì trong ngày hôm sau, tỷ lệ người đau đầu phải nhập viện tăng lên 7,5%. Bên cạnh đó, khi áp suất không khí giảm, số người bị đau đầu trong 48 – 72 giờ sau đó cũng tăng lên. Tương tự, tại Anh, một nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu hơn 7.000 người bệnh mắc chứng đau đầu tại Boston từ năm 2000 đến năm 2007. Kết quả cho thấy, có sự tương đồng giữa nhiệt độ tăng và cơn đau đầu. Hơn nữa, họ cũng ghi nhận cứ 5mmHg áp suất không khí giảm dẫn tới nguy cơ mắc chứng đau đầu tăng 6%. Điều đó đồng nghĩa với việc khi áp suất không khí giảm, nhiều người có thể bị đau đầu.
Hiện nay trên thị trường rất dễ dàng để mua được “thuốc đau đầu” mà người dùng không hiểu rõ về cơ chế giảm đau cũng như các tác dụng phụ của thuốc. Trong khi đó, chỉ số ít trường hợp đau đầu được chỉ định dùng thuốc giảm đau hàng ngày. Những trường hợp không có chỉ định không nên lạm dụng thuốc giảm đau bởi sẽ gây tác dụng ngược khiến cơn đau dần trở thành đau đầu mạn tính, và cơ thể phải chịu đựng những tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc như viêm loét dạ dày, tổn thương gan thận…
Phải làm gì để hạn chế các cơn đau đầu mỗi khi thời tiết thay đổi?
Nên nằm nghỉ ở nơi yên tĩnh, thoáng khí với tư thế chân cao hơn đầu để máu lưu thông lên não tốt hơn. Sau đó nghỉ ngơi và ăn uống điều độ, cơn đau đầu sẽ dần thuyên giảm.
Tăng cường thể lực, bồi bổ cơ thể bằng các loại vitamin như B1, B6, B12..., ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
Tập luyện thể thao giúp nâng cao thể lực, thích nghi với môi trường, góp phần làm thuyên giảm các cơn đau đầu khi thay đổi thời tiết.
Giảm căng thẳng và stress: Hãy tìm các phương pháp giảm căng thẳng như thiền, hít thở sâu, hay thực hiện các hoạt động giải trí như đọc sách, nghe nhạc, thể thao.
Đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng: Ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể phục hồi năng lượng, tăng cường sức đề kháng. Thực hiện các thói quen tốt về giấc ngủ như tạo một môi trường yên tĩnh và thoáng mát, tránh sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, và duy trì một lịch trình ngủ đều đặn.
Đặc biệt lưu ý không nên lạm dụng thuốc giảm đau, chỉ nên sử dụng thuốc giảm đau theo đơn của bác sĩ khi có các cơn đau đầu dữ dội liên tục và không có dấu hiệu thuyên giảm. Việc lạm dụng thuốc có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn và gây tình trạng “nhờn” thuốc.
Khoa Dược