Hạ Bạch Cầu trong thời gian điều trị hóa chất - Những điều bạn nên biết
Cập nhật: 28/08/2019
Lượt xem: 16.981
Trước mỗi đợt truyền hóa chất, bác sỹ luôn chỉ định cho bạn thực hiện một số xét nghiệm máu nhằm chắc chắn rằng các cơ quan quan trọng trong cơ thể bạn (tủy xương, gan, thận…) đã hồi phục trở lại bình thường sau đợt truyền hóa chất trước đó và đủ điều kiện cho đợt điều trị tiếp theo.
Trong đó, số lượng các tế bào máu của bạn sẽ phản ánh tình trạng chức năng hiện tại của tủy xương. Các tế bào đó bao gồm: Bạch cầu, Hồng cầu và Tiểu cầu. Các tế bào bạch cầu tham gia vào hệ miễn dịch, tạo nên sức đề kháng cho cơ thể bạn, chống lại những vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng luôn rình rập tấn công cơ thể bạn.
Thuốc hóa chất giúp chúng ta tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng thật không may, nó cũng tác động mạnh lên các tế bào khỏe mạnh bình thường của cơ thể bạn. Trong đó có các tế bào tủy xương, chúng bị tổn thương và chết đi, dẫn đến suy giảm khảnăng tạo máu của tủy xương và tình trạng hạ bạch cầu.

Người bệnh đang trong thời gian điều trị hóa chất
Vì sao hạ bạch cầu lại đáng sợ như vậy?
Giảm số lượng các “chiến binh” bạch cầu trong máu sẽ làm sức đề kháng của bạn trở nên yếu ớt, dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng diễn biến cấp tính và gây ra những biến chứng nặng nề, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu bạn không được điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, khi giảm bạch cầu, bạn có thể KHÔNG có bất kỳ biểu hiện gì cho đến khi tình trạng nhiễm trùng xuất hiện, như:
+ Ho, khạc đờm, khó thở, tức ngực
+ Xuất tiết dịch ở mũi do viêm xoang hay nhiễm trùng đường hô hấp.
+ Cảm giác buốt rát bỏng khi tiểu, tiểu nhiều lần, nước tiểu đục khi có nhiễm trùng tại đường tiết niệu
+ Rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, tiêu chảy khi vi trùng xâm nhập đường tiêu hóa.
+ Đau đầu, đau cổ gáy, nôn nhiều có thể là dấu hiệu báo động của nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương
+ Số cao, bạn cần lưu rằng dấu hiệu sốt cao có thể không rõ rang và rầm rộ khi bạch cầu giảm mạnh, cơ thể phản ứng yếu ớt trước tình trạng nhiễm trùng.
Những điều bạn cần làm:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn
- Hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc bệnh nhiễm trùng (viêm phổi, lao, cảm cúm…).
- Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt.
- Ăn đồ ăn đã nấu chín và ngay sau khi nấu.
- Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, những lo lắng,căng thẳng sẽ càng làm nặng thêm tình trạng hạ bạch cầu.
- Tuân thủ chỉ định của bác sỹ sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc kích thích sản xuất bạch cầu DỰ PHÒNG ngay cả khi chưa có dấu hiệu giảm bạch cầu!
Người bệnh đang trong thời gian điều trị hóa chất cần duy trì chế độ dinh dưỡng tốt
Bạn cần liên lạc với bác sỹ điều trị ngay khi:
- Sốt cao trên 38 độ C
- Xuất hiện cảm giác ớn lạnh hoặc rét run
- Xuất hiện các dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng
Lưu ý thêm: Khi xét nghiệm máu cho thấy bạn bị giảm bạch cầu, bác sỹ có thể sẽ chỉ định cho bạn sử dụng thuốc kích thích tủy xương tạo bạch cầu. Do kích thích mạnh tủy xương, thuốc có thể làm bạn đau nhức tại vị trí một số xương lớn như cột sống, xương chậu. Không nên quá lo lắng, hãy thông báo với bác sỹ của bạn, một viên thuốc giảm đau thông thường cũng có thể xoa dịu dấu hiệu này!
Cần hiểu rằng hạ bạch cầu thường chỉ là một trong những tác dụng phụ thường gặp của điều trị hóa chất, ít liên quan đến tình trạng tiến triển của bệnh ung thư. Hạ bạch cầu không đồng nghĩa với việc bệnh ung thư của bạn nặng hơn!
Khoa Hóa trị can thiệp và Chăm sóc giảm nhẹ