Củ Ấu tầu (Gấu tàu) là rễ của cây ô đầu, tên khoa học là Aconitum napellus, một loại được phát hiện ở Lao Cai Việt nam có tên Aconitum forrtunei Hemsl, thuộc họ Mao lương. Thành phần độc chính của củ gấu tàu là aconitin (chất gây tê đầu lưỡi) và các alcaloid khác...
Ngày 18/02/2012 bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận người bệnh Trương Văn S. sinh năm 1975, địa chỉ: Thượng Yên Công-Uông Bí- Quảng Ninh. Người bệnh được đưa đến cấp cứu vì ngộ độc do uống nhầm phải rượu ngâm củ Ấu tầu trong tình trạng vật vã kích thích, hoảng loạn, nôn nhiều, tức ngực, khó thở, tim loạn nhịp. Sau 6 ngày điều trị chống độc tích cực, người bệnh ổn định ra viện.
Ngộ độc do củ Ấu tàu là ngộ độc nặng và hiện nay vẫn chưa có chất giải độc đặc hiệu. Việc xử trí ngộ độc vẫn chỉ bằng xử dụng các phương pháp xử trí ngộ độc chung. Rất may đối với trường hợp người bệnh này, do mới uống phải 1 lượng rượu nhỏ, tình trạng ngộ độc không quá nặng, được xử trí cấp cứu kịp thời, nên việc điều trị còn hiệu quả.
Củ Ấu tầu (Gấu tàu) là rễ của cây ô đầu, tên khoa học là Aconitum napellus, một loại được phát hiện ở Lao Cai Việt nam có tên Aconitum forrtunei Hemsl, thuộc họ Mao lương. Thành phần độc chính của củ gấu tàu là aconitin (chất gây tê đầu lưỡi) và các alcaloid khác.

- Hình ảnh các bộ phận của củ ấu tầu -
Trong Đông y người ta dùng củ Gấu tàu để xoa bóp chữa chân tay đau nhức, sai khớp, bầm da do bị đụng dập. Củ thái lát mỏng đem ngâm rượu để xoa bóp ngoài da, không được uống. Củ ấu tầu có thể dùng 1 lượng nhỏ (3-4 gram/ngày) sắc nước uống, do aconitin dễ dàng thủy phân trong nước ở nhiệt độ cao.
Aconitin là một alcaloide cực độc (độc bảng A), có khả năng kích hoạt kênh natri, gây khử cực kéo dài, làm chậm lại quá trình tái phân cực gây độc tính kết hợp trên hệ thần kinh và tim mạch ảnh hưởng đến khả năng co bóp và làm thay đổi nhịp tim. Aconitine tác động bắt đầu từ 3 đến 20 phút sau khi ăn, uống phải. Nó cũng hấp thu qua da. Sau khi chuyển hóa thành các chất có hoạt tính độc tác động trên các cơ quan, sẽ bài tiết từ từ qua nước tiểu trong 6 tuần.
Khi uống phải rượu ngâm củ Ấu tầu, các triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện ngay, người bệnh có cảm giác tê rần quanh miệng, lưỡi, môi, sau đó là nôn dữ dội, rối loạn hệ thần kinh, co giật. Đáng chú ý là ảnh hưởng gây rối loạn nhịp tim, xuất hiện trong giờ đầu tiên sau ngộ độc (ngoại tâm thu, nhanh nhịp thất, chậm nhịp xoang, cơn nhanh kịch phát trên thất và xoắn đỉnh...) gây tụt huyết áp, trụy mạch nguy hiểm đến tính mạng.
Qua trường hợp người bệnh này, có thể thấy nhân dân vẫn sử dụng củ Ấu tầu ngâm rượu chữa bệnh. Chúng tôi tóm tắt một số thông tin liên quan về ngộ độc củ ấu tầu để nhân dân tham khảo và lưu ý trong việc bảo quản, sử dụng loại thuốc này được an toàn, không được uống loại rượu ngâm củ ấu tầu. Đặc biệt lưu ý về việc bảo quản (cần cất giữ riêng để khỏi lấy nhầm và tránh xa tầm tay với của trẻ em). Khi có người bị uống phải rượu ngâm củ Ấu tầu, lưu ý giữ ấm cho người bệnh ngay khi phát hiện được và đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để cấp cứu chống độc.
Bs. CK II: Phạm Thị Thùy
Trưởng khoa nội tiêu hoá - Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí.