Theo Hội tim mạch Mỹ (AHA), bốc hỏa và đổ mồ hôi là những triệu chứng đặc trưng của thời kỳ mãn kinh. Bốc hỏa là một trong những rối loạn nội tiết tố của thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh mà đa số phụ nữ phải trải qua. Đây là hiện tượng xuất hiện cơn nóng bừng đột ngột từ phần ngực lên đến cổ, mặt rồi lan ra khắp cơ thể. Bốc hỏa có thể kèm theo các biểu hiện khác như tim đập nhanh, vã mồ hôi, mặt mũi nóng bừng, đỏ mặt, cảm giác ớn lạnh toàn thân, nóng bừng, bứt rứt, khó chịu. Tình trạng này có thể kéo dài từ một đến hai năm, thậm chí 5 - 10 năm gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tâm trạng khó chịu, bực bội, cáu gắt bộc phát thường xuyên. Các cơn bốc hỏa kéo đến thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Hình minh họa
Mối liên quan giữa thời kỳ mãn kinh và nguy cơ bệnh tim mạch
Theo Ths. Bs. Hoàng Minh Quang - Trưởng khoa Nội Tim mạch cho biết: Phụ nữ bước sang thời kỳ mãn kinh, họ sẽ đối mặt với rất nhiều thay đổi, cụ thể: cơ thể sản sinh ít estrogen hơn, tích tụ mỡ bụng nhiều hơn. Họ cũng có thể bị hội chứng rối loạn chuyển hóa, được xác định khi có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: béo bụng, nồng độ triglyceride cao, nồng độ HDL (cholesterol "tốt") thấp, huyết áp cao, đường huyết cao. Các động mạch của phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh ngày càng dày hơn và xơ cứng hơn, dẫn đến các tình trạng bệnh lý liên quan.
Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho phụ nữ, mặc dù nữ giới thường bị bệnh lý tim mạch muộn hơn so với nam giới vài năm. Tuy nhiên, phần lớn phụ nữ không nhận thức được nguy cơ mắc bệnh tim mạch, căn bệnh có nguy cơ gây tử vong ở phụ nữ cao hơn tất cả các dạng ung thư cộng lại.
Trong khi những kiến thức về nguy cơ tim mạch liên quan tới mãn kinh ngày càng nhiều hơn, như tình trạng bốc hỏa và đổ mồ hôi vào ban đêm ở thời kỳ mãn kinh có liên quan đến nguy cơ tăng huyết áp và các rối loạn tim mạch khác. Nghiên cứu cũng cho thấy, trầm cảm trong giai đoạn chuyển tiếp sang mãn kinh có mối liên quan chặt chẽ với nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.
Ngoài ra, những phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh tự nhiên ở độ tuổi muộn hơn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong thấp hơn. Các yếu tố có thể liên quan đến tình trạng mãn kinh sớm hơn bao gồm: sức khỏe tim mạch kém, hút thuốc lá và yếu tố di truyền.
Phòng ngừa tích cực ở tuổi trung niên giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai
Phụ nữ sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cường các nỗ lực phòng ngừa bệnh tim mạch trong những năm trước khi mãn kinh. Các nghiên cứu cho thấy những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh tim mạch bao gồm: không hút thuốc, tích cực vận động, chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, ngủ đủ giấc và kiểm soát nồng độ cholesterol, huyết áp và đường huyết.
Th. Bs. Hoàng Minh Quang cho biết thêm: Để phòng ngừa các bệnh tim mạch, ở phụ nữ mãn kinh hiệu quả nhất là tăng cường hoạt động thể chất. Đây là liều thuốc thần kỳ mang lại sức khỏe tốt vì nó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, huyết áp cao, bệnh đái tháo đường type 2 và ung thư. Đồng thời qua đó cũng giúp cải thiện sức khỏe của xương, kiểm soát cân nặng, giấc ngủ và sức khỏe tâm thần".
Theo khuyến cáo của Mỹ về hoạt động thể chất, mỗi người cần ít nhất 150 phút mỗi tuần tập thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần tập thể dục nhịp điệu cường độ mạnh hoặc kết hợp cả hai.
ĐD. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Khoa Nội tim mạch