Trên thế giới, bệnh tim mạch đã và đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Mỗi năm, bệnh lý tim mạch bao gồm cả đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu thế giới cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Nhân ngày tim mạch Thế giới 29/9, hãy cùng lắng nghe chia sẻ của các bác sĩ Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí về bệnh lý nhồi máu cơ tim.
Bệnh lý không trừ một ai!
Bệnh lý nhồi máu cơ tim thường được cho là chỉ gặp ở người cao tuổi. Thế nhưng thực tế cho thấy bệnh lý này có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào, tỉ lệ mắc bệnh ngày càng trẻ hóa, một phần là do lối sống trong thời đại mới…
Tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong thời gian gần đây không khó để bắt gặp các trường hợp người bệnh nhập viện vì bệnh lý nhồi máu cơ tim nhưng ở độ tuổi còn khá trẻ chỉ 30-35 tuổi.
Có nhiều nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi. Trong đó chính chế độ sinh hoạt không khoa học, thiếu lành mạnh là nguyên nhân chủ yếu gây hình thành các mảng xơ vữa nhanh chóng và dẫn đến nhồi máu cơ tim ở người trẻ. Có thể kể ra các nguyên nhân chính ở người trẻ thường gặp như:
- Stress: Tình trạng này kéo dài khiến thần kinh căng thẳng, kéo theo nguy hại đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ tim mạch.
- Thừa cân, béo phì: Thói quen ăn uống không lành mạnh, không đúng chế độ, dẫn đến béo phì.
- Hút thuốc lá: Đây là thói quen xấu mà phần lớn người trẻ đều mắc phải, đặc biệt là nam giới. Hút thuốc lá không đơn thuần là gây hại cho phổi mà còn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các cơ quan khác, trong đó có hệ tim mạch.
Nếu được phát hiện sớm và kịp thời, các bác sĩ có thể tiến hành đặt stent động mạch vành. Đây là kỹ thuật can thiệp tiên tiến giúp tái tưới máu cho vùng cơ tim bị tổn thương.
Các triệu chứng nhồi máu cơ tim ở người trẻ?
Việc nhận diện dấu hiệu bệnh tim mạch ở người trẻ tuổi, đặc biệt là triệu chứng nhồi máu cơ tim đóng vai trò quan trọng. Nhiều trường hợp việc phát hiện sớm còn giúp cứu được tính mạng của người bệnh.
- Đau thắt ngực: Triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim chủ yếu là cơn đau thắt ngực ở vị trí sau xương ức lan lên trên dưới hàm, tay trái. Thi thoảng người bệnh bắt gặp cơn đau thượng vị như cơn đau của bệnh lý tiêu hóa. Các cơn đau thường kéo dài hơn 30 phút, khi nghỉ ngơi cơn đau cũng không giảm.
- Khó thở, thở dốc, cảm giác nặng, bóp nghẹt
- Đánh trống ngực
- Vã mồ hôi, hồi hộp
- Buồn nôn, nôn
- Mơ hồ, lú lẫn, bất tỉnh
Vậy cần làm gì để phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim?
Ở độ tuổi trẻ, muốn phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim, điều cần làm đầu tiên là thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt một cách khoa học:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào
- Ổn định cân nặng ở mức tương đối, phù hợp
- Chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý
- Tập luyện thể dục, vận động thường xuyên
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, áp lực
- Hạn chế rượu bia, chất kích thích, chất béo
- Khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/ năm để đảm bảo sức khỏe, tầm soát bệnh nói chung
- Đối với người trẻ có nguy cơ tăng huyết áp, nhiều cholesterol, đái tháo đường, gia đình có người bị nhồi máu cơ tim cần khám sức khỏe thường xuyên hơn.