Sinh hoạt khoa học “Cập nhật kiến thức điều trị hậu COVID ở trẻ em và đột quỵ não”
Ngày 2/5/2024, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học “Cập nhật kiến thức điều trị hậu COVID ở trẻ em và đột quỵ não”. Tại đây, hai chuyên gia là PGS. TS. Nguyễn Thị Diệu Thuý – Chủ nhiệm Bộ môn Nhi – Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, PGS. TS. Phạm Việt Nga – chủ tịch Hội chống động kinh Việt Nam, Nguyên chủ nhiệm Bộ môn thần kinh – Học viện Quân Y đã trực tiếp cập nhật kiến thức và chia sẻ các báo cáo có liên quan.
BSCKII. Nguyễn Thị Ngọc Điệp – Phó Giám đốc Bệnh viện – Phụ trách TTĐT&CĐT tham dự và chủ trì buổi sinh hoạt khoa học. Ngoài ra còn có sự tham gia của các bác sĩ khoa lâm sàng, đại diện Phòng Kế hoạch tổng hợp, Phòng Điều dưỡng, Phòng Quản lý chất lượng, sinh viên các trường Y đang thực tập tại Bệnh viện…
Đại diện Ban Giám đốc Bệnh viện, các chuyên gia và cán bộ nhân viên tham dự buổi sinh hoạt khoa học
BSCKII. Nguyễn Thị Ngọc Điệp – Phó Giám đốc Bệnh viện – Phụ trách TTĐT&CĐT – Chủ trì buổi sinh hoạt khoa học
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hậu Covid-19 là tình trạng xuất hiện triệu chứng mới hoặc diễn biến bệnh tiếp tục kéo dài dù đã âm tính với SARS-CoV-2. Ở trẻ em, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, cùng với những thay đổi về mô hình bệnh tật sau COVID-19 có thể gây ra những vấn đề cho trẻ về tim mạch, thần kinh, khướu giác, đặc biệt, phổi là cơ quan chịu nhiều ảnh hưởng nhất khi nhiễm Covid-19 sẽ gây ra những triệu chứng hô hấp kéo dài như khó thở, đau ngực, ho… hay hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Thông qua bài báo cáo “Cải thiện tình trạng miễn dịch trẻ em thời kỳ hậu COVID dự phòng nhiễm trùng hô hấp tái phát”, PGS. TS. Nguyễn Thị Diệu Thuý đã củng cố lại những kiến thức về vai trò, phân loại hệ thống miễn dịch, đáp ứng miễn dịch sau nhiễm COVID-19 ở trẻ nhỏ, ảnh hưởng của giãn cách xã hội trên miễn dịch tự nhiên của trẻ… Giúp cán bộ nhân viên Bệnh viện nắm rõ hơn về cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch và những tác động của COVID-19 lên hệ miễn dịch ở trẻ. Từ đó đưa ra các biện pháp nâng cao miễn dịch ở trẻ, cũng như các biện pháp dự phòng nhiễm trùng hô hấp tái phát ở trẻ em.
PGS. TS. Nguyễn Thị Diệu Thuý báo cáo tại buổi sinh hoạt khoa học
PGS. TS. Phạm Việt Nga báo cáo tại buổi sinh hoạt khoa học
Với nội dung “Cập nhật chẩn đoán điều trị đột quỵ não”, PGS. TS. Phạm Việt Nga đã mang tới những kiến thức toàn diện về đột quỵ, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Trong đó đề cập đến các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, những biểu hiện chính của huyết khối động mạch về lâm sàng, cận lâm sàng, các bước chẩn đoán, xử trí ban đầu và điều trị căn bản. Chuyên gia cũng đưa ra các mục tiêu, phương châm điều trị người bệnh đột quỵ giai đoạn cấp và sau giai đoạn cấp, trong đó đảm bảo điều trị sớm (Thời gian là não – Time is brain), và chuẩn xác (Sự tinh nhuệ là não – Competence is brain) nhằm nâng cao tỉ lệ cứu sống người bệnh cũng như hạn chế tối đa biến chứng của bệnh. Đây là những kiến thức rất hữu ích, đặc biệt là với cán bộ nhân viên y tế của Đơn nguyên Đột quỵ, thuộc khoa Tâm thần kinh - Cơ xương khớp Bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị cho người bệnh đột quỵ tại Bệnh viện.
Sau các bài báo cáo, cán bộ nhân viên và sinh viên y khoa tham dự buổi sinh hoạt khoa học đã tích cực thảo luận để làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến cải thiện tình trạng miễn dịch trẻ em, cũng như chẩn đoán điều trị đột quỵ não. Qua đó giúp cán bộ nhân viên y tế tăng cường trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức trong chẩn đoán và điều trị người bệnh.
Bác sĩ khoa Nhi tham gia thảo luận
Bác sĩ khoa Tâm thần kinh - Cơ xương khớp tham gia thảo luận
Sinh viên y khoa tham gia thảo luận
Quang cảnh buổi sinh hoạt khoa học
Quang cảnh buổi sinh hoạt khoa học
Tổ Công tác xã hội