Trong thời kỳ mang thai, sự thay đổi của nội tiết tố khiến hệ miễn dịch của thai phụ bị suy giảm, sức đề kháng của cơ thể yếu đi. Do vậy ngoài những vấn đề khó chịu như ốm nghén, đau lưng, ợ chua, chuột rút, phù nề… các bệnh lý thường gặp nếu xuất hiện trong thời kỳ mang thai nói chung đều phải được theo dõi cẩn trọng hơn bình thường, đề phòng các biến chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của cả người mẹ và thai nhi.
Viêm tuỵ cấp là một bệnh lý hiếm gặp ở phụ nữ mang thai. Với tỉ lệ chỉ từ 1/1.000 đến 1/12.000 (Theo Ramin và cs., 1995), từ 1/1.000-3/10.000 (Junesa và cs., 2013). Lượng triglycerid máu tăng cao, rối loạn nội tiết, thai lớn ở giai đoạn cuối thai kỳ gây áp lực trong ổ bụng… là những nguyên nhân chính gây nên tình tạng viêm tụy cấp ở phụ nữ mang thai. Đây là bệnh lý nội khoa nguy hiểm (10% các trường hợp viêm tuỵ cấp phải điều trị hồi sức tích cực) nhưng chẩn đoán lại rất khó khăn do dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác hoặc bị bỏ sót. Nguy cơ dẫn đến hậu quả nặng nề cho mẹ và thai nhi nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Viêm tuỵ cấp là một bệnh lý hiếm gặp ở phụ nữ mang thai nhưng thường bị bỏ sót và khó chẩn đoán
(Hình ảnh minh hoạ)
Ngày 20/9/2020, khoa Cấp cứu Bệnh viện tiếp nhận sản phụ H. T. B. P., 33 tuổi, địa chỉ tại TP. Chí Linh, Tỉnh Hải Dương vào viện khi ở tuần thai 38 tháng 4 ngày, thai lần 2. Sản phụ có chỉ số mỡ máu cao 1 tháng nay, khi vào viện có dấu hiệu chuyển dạ kèm đau bụng dưới từng cơn. Sau khi thăm khám sản phụ được phẫu thuật bắt thai được một bé trai nặng 3.160 gr chào đời khoẻ mạnh. Tuy nhiên sau phẫu thuật sản phụ vẫn đau bụng thượng vị quặn từng cơn. Các kết quả xét nghiệm cho thấy men tuỵ tăng 1.259 U/l, Triglycerid tăng cao 19,78 mmol/l (mức bình thường <=1,7), Cholesterol 20,64 mmol/l (mức bình thường <=5.2). Sản phụ được chẩn đoán viêm tuỵ cấp, theo dõi viêm tuỵ hoại tử kèm rối loạn mỡ máu và chuyển khoa Hồi sức tích cực Nội điều trị.
Một trường hợp khác, sản phụ N. T. L, 30 tuổi, địa chỉ tại Thị xã Đông Triều, Quảng Ninh vào viện ngày 15/9/2020 ở tuần thai 31 trong tình trạng đau bụng phải âm ỉ thượng vị lan xuống hố chậu phải đã 1 ngày. Các xét nghiệm cho thấy men tuỵ cao, P-Amylase 460.19U/l, Triglycerid 23.11, Cholesterol 16.88mmol/l… Sản phụ cũng được chẩn đoán viêm tuỵ cấp do tăng tryglycerid trên phụ nữ mang thai và theo dõi điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Nội. Đến ngày 22/9 người bệnh tỉnh táo, bụng đau ít, ăn đường miệng tốt, ăn vào không đau hơn, thai nhi ổn định đã chuyển khoa Nội tiêu hoá tiếp tục theo dõi điều trị.
Các bác sĩ cho biết viêm tuỵ cấp có thể diễn tiến theo nhiều thể từ nhẹ đến nặng. Trường hợp không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, sản phụ có nguy cơ bị áp xe hay suy đa cơ quan. Nguy cơ tỉ lệ tử vong mẹ và con lần lượt là 20% và 50%, và có đến 43 - 62,5% xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ.
Qua đây, các bác sĩ Bệnh viện khuyến cáo, nếu thai phụ gặp phải những triệu chứng như: đau bụng (đau nhói, đau đột ngột), cơn đau lan sang cạnh sườn, lên xương bả vai và vai. Cơn đau bắt đầu với cường độ đau cao, kéo dài khoảng 15-20 phút, cơn đau có thể từ nhẹ, trung bình đến nặng. Hoặc chán ăn, buồn nôn, nôn, khó tiêu, sốt nhẹ, tim đập nhanh và không dung nạp thực phẩm có axít béo thì cần nghĩ tới viêm tuỵ cấp. Lúc này thai phụ cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Việc chấm dứt thai kỳ (phẫu thuật lấy thai) trong bệnh lý viêm tuỵ cấp có thể được chỉ định tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, khả năng đáp ứng điều trị và tình trạng sức khỏe của thai.