1. Tình hình sử dụng và xử lý ống nội soi mềm
Nội soi mềm bắt đầu phát triển vào những năm 1950-1960, nhằm mục đích để chẩn đoán các bệnh lý ở dạ dày, tá tràng, ống mật chủ, trực tràng, khí quản. Nội soi mềm dùng trong chẩn đoán ngày càng phát triển mạnh trên toàn thế giới, qua nội soi chẩn đoán, bác sĩ còn thực hiện sinh thiết, nạo rửa, cầm máu, lấy dị vật.
Ống nội soi mềm bị nhiễm nhiều vi khuẩn sau khi soi. Nội soi dạ dày, ruột bị nhiễm bởi máu, phân, mô niêm mạc với số lượng lớn vi khuẩn bên ngoài ống và trong lòng ống. Ống nội soi mềm được thiết kế để sử dụng lại nhiều lần, khó xử lý do ống làm bằng vật liệu không chịu được nhiệt độ cao, cấu trúc tinh vi: Có nhiều kênh, cổng vào, dụng cụ phụ tùng như: nguồn sáng; dây dẫn sáng; thấu kính… Quy trình xử lý ống nội soi mềm thường không đầy đủ do tần suất sử dụng cao, dụng cụ ít, cần quay vòng nhanh.
2. Tác hại của việc xử lý ống nội soi mềm không đúng quy trình
Quá trình xử lý ống nội soi mềm không đúng có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng thăm khám và điều trị người bệnh của Bệnh viện và đã có những báo cáo về các vụ dịch liên quan đến việc xử lý dụng cụ nội soi nguyên nhân là do không tuân thủ quy trình. Các vi khuẩn không được loại bỏ sau khi soi cho người bệnh như Salmonella, Pseudomonas spp, H. Pylori, nhiễm Enterobacteriae, Klebsiella, Mycobacterium spp - M. tuberculosis, viêm gan C, viêm gan B….
Các nguyên nhân dẫn đến việc thất bại trong khử khuẩn ống nội soi mềm thường là do không thực hiện đúng hướng dẫn khử khuẩn, không làm sạch đầy đủ các bộ phận của ống nội soi mềm, không sử dụng đúng hóa chất khử khuẩn (thời gian, nồng độ, mức độ ngâm ngập), không làm khô thỏa đáng và dụng cụ bị khiếm khuyết.
3. Hoạt động xử lý ống nội soi mềm tại Bệnh viện hướng tới an toàn người bệnh
Tại Việt Nam, việc xử lý ống nội soi mềm đã được Bộ Y tế quan tâm và ban hành Hướng dẫn xử lý ống nội soi mềm kèm theo quyết định số 3916/QĐ-BYT ngày 28/8/2017.
Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí ngay từ khi triển khai hoạt động nội soi chẩn đoán đã thực hiện khử khuẩn, tiệt khuẩn các dụng cụ phục vụ công tác nội soi theo hướng dẫn của nhà sản xuất ống nội soi, các hướng dẫn của Bộ Y tế. Sau khi Bộ Y tế ban hành hướng dẫn xử lý ống nội soi mềm, Bệnh viện đã thực hiện các biện pháp như:
- Thiết kế, bố trí cơ sở hạ tầng phòng nội soi thành các khu vực riêng biệt, có phòng xử lý riêng, lắp đặt hệ thống khử khuẩn.
- Trang bị một loạt các kìm sinh thiết để quay vòng tiệt khuẩn nhiệt độ thấp công nghệ Plasma, trang bị thêm các ống nội soi đủ quay vòng để đảm bảo đủ thời gian thực hiện khử khuẩn, tiệt khuẩn đảm bảo dụng cụ an toàn.
- Kiểm soát chặt hóa chất khử khuẩn bằng các test chỉ thị hàng ngày vào trước ngày làm việc và khi cần trong ngày, thay theo khuyến cáo nhà sản xuất.
- Lắp đặt hệ thống nước RO vô khuẩn, các dụng cụ theo phân nhóm phải khử khuẩn, tiệt khuẩn. Bệnh viện thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế như bảng sau:

Bằng các biện pháp khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ nội soi đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cho đến thời điểm này, Bệnh viện đã theo dõi và chưa ghi nhận các trường hợp bị nhiễm khuẩn, ngộ độc hóa chất liên quan đến nội soi thực hiện tại Bệnh viện. Vì vậy người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm khi tiếp cận với dịch vụ nội soi tại Bệnh viện.