Chụp nhũ ảnh phát hiện sớm ung thư vú tại bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí
Cập nhật: 29/02/2020
Lượt xem: 3.113
Chụp nhũ ảnh là gì?
Chụp X-quang tuyến vú (Mammography), hay còn gọi là chụp nhũ ảnh là kỹ thuật sử dụng chùm tia X cường độ thấp chiếu vào các mô tuyến vú để thu lại các hình ảnh tại tuyến vú qua đó hỗ trợ bác sỹ chẩn đoán hình ảnh phát hiện và phân tích sự hiện diện của các khối tổn thương nghi ngờ trong vú như khối u, nang và vùng vi vôi hóa. Phương pháp này giúp phát hiện các bất thường, khối u ở giai đoạn sớm ngay cả khi bệnh nhân chưa sờ và cảm nhận thấy.
Một số hình ảnh chụp X-quang tuyến vú tại Bệnh viện:
Tại sao phải chụp nhũ ảnh?
Tại Việt Nam, có khoảng 11.000 ca mới mắc ung thư vú hàng năm và trên 5.000 trường hợp tử vong. Tại Singapore, cứ 11 phụ nữ thì có 1 người sẽ phát triển ung thư vú trong cuộc đời của họ. Chụp nhũ ảnh cho phép bác sĩ chẩn đoán hình ảnh phát hiện các tổn thương bất thường trong vú ở giai đoạn sớm, khi việc điều trị còn dễ dàng.
Mục đích của việc chụp nhũ ảnh?
- Để tầm soát phát hiện sớm ung thư vú.
- Để chẩn đoán bệnh.
Khi nào nên chụp nhũ ảnh?
Đối với các chị em có nguy cơ mắc bệnh ở mức trung bình, nên bắt đầu chụp nhũ ảnh sàng lọc ung thư vú mỗi 1-2 năm/lần, kể từ lúc 40 tuổi và không quá 50 tuổi. Xét nghiệm sàng lọc nên thực hiện định kỳ cho đến ít nhất là năm 75 tuổi
Máy chụp nhũ ảnh tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí
Tại Bệnh viện được trang bị máy chụp nhũ ảnh Fujifilm amulet Innovality xuất xứ từ Mỹ, chụp nhũ ảnh 3D cho hình ảnh sắc nét, thời gian chụp nhanh, độ chính xác cao hơn chụp nhũ ảnh 2D.

Thiết bị chụp nhũ ảnh giúp phát hiện sớm ung thư vú tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển

Kỹ thuật viên hướng dẫn người bệnh chụp X-quang tuyến vú để cho hình ảnh rõ nét nhất

Kỹ thuật viên hướng dẫn người bệnh chụp X-quang tuyến vú để cho hình ảnh rõ nét nhất
Tôi nên chuẩn bị gì cho việc chụp nhũ ảnh?
- Thời điểm tốt nhất để chụp nhũ ảnh là sau chu kì kinh nguyệt 1 tuần.
- Luôn luôn thông báo cho bác sĩ hay bác sĩ chẩn đoán hình ảnh nếu bạn có khả năng đang mang thai.
- Mặc một bộ bao gồm áo và quần rời cho thoải mái
- Hạn chế sử dụng chất khử mùi, nước hoa, phấn hay thuốc bôi da ở dưới cánh tay hay vùng vú.
- Vui lòng mang theo tất cả film chụp nhũ ảnh trước đây để bác sĩ có thể so sánh với film chụp hiện tại của bạn.
Yếu tố nguy cơ?
- Phụ nữ trên 50 tuổi.
- Chủng tộc : phụ nữ da trắng dễ mắc ung thư hơn phụ nữ La-tinh, Châu Á, Châu Phi
- Tiền sử bản thân: Ung thư một bên vú, vú bên kia sẽ có khả năng ung thư hơn vú bình thường.
- Tiền sử gia đình: Có mẹ, chị gái, em gái hay con gái bị ung thư.
- Nguy cơ càng cao khi người thân bị ung thư vú lúc dưới 40 tuổi.
- Tiền sử kinh nguyệt và sinh sản: Có con đầu lòng càng muộn, dậy thì sớm ( có kinh sớm dưới 12 tuổi ). - Phụ nữ mãn kinh muộn ( sau 55 tuổi ).
- Phụ nữ không sinh con dễ ung thư vú hơn phụ nữ khác.
- Tiền sử xạ trị vào thành ngực.
- Phụ nữ thừa cân, béo phì sau mãn kinh.
Các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú?
1.1 Đau tức ngực hoặc tuyến vú
Triệu chứng đau tức ngực, cương tức tuyến vú trong thai kỳ hoặc trong những ngày hành kinh được cho là bình thường. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng này xuất hiện trong cả những ngày bình thường và cơn đau kéo dài, tăng dần khi đến kỳ kinh nguyệt thì bạn nên đi khám, siêu âm và chiếu chụp vú để kiểm tra tuyến vú của mình.
1.2 Vú to bất thường
Nếu bạn cảm thấy vú to lên bất thường, 2 bên vú không tương xứng hay thường xuyên cảm thấy cương cứng thì bạn nên đến gặp bác sĩ để xem xét khả năng cần chụp nhũ ảnh nếu cần.
1.3. Nổi u cục ở tuyến vú
U vú có thể phát hiện tình cờ, tuy nhiên lời khuyên của các chuyên gia đó là tự khám vú hàng tháng sau khi hết kinh, bằng cách này bạn có thể sờ thấy một "khối lạ" ở tuyến vú của mình. Những u này có thể là lành tính và cũng có thể là ác tính. Đây là bước rất quan trọng vì nhiều trường hợp ung thư vú được phát hiện sớm qua việc tự khám vú hàng tháng và chụp vú, siêu âm vú kết hợp khi có nghi ngờ.
Để tự khám vú, bạn có thể đứng trước gương để kiểm tra hình dạng vú ở tư thế bình thường. Sau đó, chuyển đổi tư thế hai tay giơ cao và cuối cùng hai tay chống vào hông, kiểm tra vú khi thay đổi các tư thế nằm.
1.4. Nổi hạch nách
Khi khám vú bạn cũng có thể kiểm tra vùng hố nách nếu có khối bất thường bạn cũng nên khám chuyên gia ngay. Hạch nách có thể do nhiều nguyên nhân nhưng cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư vú. Có khá nhiều trường hợp ung thư vú được chẩn đoán khi người bệnh phát hiện tình cờ hạch hố nách.
1.5. Thay đổi da vùng vú
Một số thay đổi da vùng vú như: đỏ, sưng dưới dạng sần da cam... bạn nên đi khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú đã vào giai đoạn muộn.
1.6. Tụt núm vú, thay đổi vùng da quanh đầu núm vú
Một số người phụ nữ bình thường có triệu chứng tụt núm vú bẩm sinh. Tuy nhiên, nếu núm vú của bạn đột nhiên bị tụt hẳn vào trong, kèm theo biểu hiện cứng và không kéo ra được như bình thường, Vùng da bị co rút, nhăn nheo và có thể xuất hiện các hạt nhỏ ở quầng vú xung quanh núm vú, chảy dịch bất thường ở núm vú... thì bạn nên đi gặp bác sỹ chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị sớm.
Tóm lại, khi phát hiện các u cục, sưng đau, biến đổi màu sắc da, chảy dịch... bất thường bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được khám và tư vấn cụ thể hơn. Phụ nữ trên 35 tuổi, người có những dấu hiệu bất thường ở tuyến vú, phụ nữ chưa từng sinh con,... cần phải đi khám vú và chụp và siêu âm vú định kỳ 6 tháng/lần.