Điều trị đái tháo đường nhằm vào chế độ “kiềng ba chân”: Ăn uống; Vận động và Thuốc men, nghĩa là điều chỉnh lối sống và dùng thuốc đặc hiệu.
Nhiều nghiên cứu, chuyên gia nội tiết khẳng định, đến 80% trường hợp “tiền đái tháo đường” có thể ngăn chặn được chỉ bằng chỉnh lối sống đơn thuần.
.jpg)
Những “điểm nhấn” của bệnh đái tháo đường
* Sát thủ thứ 3, gia tăng như bệnh dịch
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh không lây nhiễm gây tử vong đứng hàng thứ 3, sau tim mạch và ung thư.
* Diễn tiến âm thầm, bỏ sót chẩn đoán
Đái tháo đường thường diễn tiến âm thầm trong nhiều năm qua các giai đoạn trước khi trở thành bệnh thật sự: Bình thường →Kháng insulin→ Tiền đái tháo đường → Đái tháo đường→ Đái tháo đường có biến chứng.
Một điều đáng ngại là tỷ lệ ĐTĐ hay bị bỏ sót còn rất cao, từ 50-70 %. Ngay ở các nước tiên tiến, tiền ĐTĐ cũng không được lưu ý đúng mức để tầm soát và điều trị.
* Gây nhiều biến chứng
Đái tháo đường có nhiều biến chứng trên nhiều cơ quan hệ thống như tim mạch, thần kinh, thận, mắt, da, sinh dục…Đặc biệt là các biến chứng mạch máu xảy ra rất sớm, ngay trong giai đoạn tiền đái tháo đường.
Chỉnh lối sống, ngăn chống đái tháo đường
Cũng như các căn bệnh nội tiết - chuyển hóa khác, điều trị ĐTĐ cũng nhằm vào 3 chế độ, “kiềng ba chân”, là ăn uống, vận động và thuốc men, trong đó điều chỉnh chế độ ăn uống và vận động chính là điều chỉnh lối sống.
Các chuyên gia nội tiết đưa ra 5 điểm mấu chốt trong chỉnh lối sống:
1. Ăn uống lành mạnh
Theo khuyến nghị của Hội ĐTĐ Hoa Kỳ (ADA), khẩu phần ăn trong ngày của người ĐTĐ cũng phải đủ 3 thành phần chính:
+ Tinh bột (bún, mì, gạo, khoai, bắp...) chiếm khoảng 50% năng lượng;
+ Chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật) chiếm từ 35%;
+ Đạm (thịt, cá, đậu, hạt thực vật) chiếm khoảng 15%.
Ngoài ra cần chú ý bổ sung vitamin, chất khoáng, chất xơ có nhiều trong rau, củ, quả và trái cây “ít ngọt”.
Ngoài kiêng các món ăn, thức uống có đường ngọt, người ĐTĐ cũng cần giảm ăn chất béo như thịt nguội, thịt mỡ, pho mát, khoai tây chiên. Người bệnh nên ăn cá 2-3 lần trong tuần, và hạn chế uống rượu, bia.
2. Vận động thích hợp
ĐTĐ đồng nghĩa với dư thừa năng lượng, thừa ăn. Cho nên cần tích cực hoạt động thể lực để giúp cơ thể tiêu hao năng lượng thừa, giúp cơ thể tiêu thụ đường dễ dàng hơn, nâng cao sức khỏe của toàn cơ thể, luyện tập thể lực cũng như giúp tinh thần, sảng khoái và cuối cùng luyện tập thể lực cũng sẽ làm tăng sức đề kháng, chống đỡ bệnh tật.
Nguyên tắc luyện tập thể lực là: Luyện tập phải dần dần và thích hợp, Phải đề phòng hạ đường máu khi tập thể lực, không tập quá sức hoặc tập thể lực khi đang có bệnh cấp tính, khi chưa kiểm soát đường máu ổn định…
3. Cố gắng giảm cân
Thừa cân, béo phì vừa là nguy cơ vừa là yếu tố làm nặng thêm các triệu chứng ĐTĐ. Các chuyên gia nội tiết cho thấy chỉ giảm 5- 7 phần trăm trọng lượng cơ thể sẽ giúp ổn định đường trong máu và cải thiện tình trạng kháng insulin.
4. Bỏ hút thuốc lá
Giúp hạ đường huyết và giảm các biến chứng mắt, đột quỵ, bệnh thận, bệnh mạch máu, thần kinh và chân…..
5. Kiểm soát các stress
Stress sẽ làm đường máu tăng theo cơ chế “chiến đấu hay chạy trốn”. Do đó, kiểm soát stress qua tập thể dục, khí công, yoga, thư giãn rất hữu ích để hỗ trợ điều trị ĐTĐ.
Có thể nói điều chỉnh lối sống là khâu đầu tiên, quan trọng, được nhiều chuyên gia, nhiều hiệp hội đái tháo đường của tất cả các nước trên thế giới ghi vào các hướng dẫn điều trị. Đặc biệt là với những trường hợp tiền ĐTĐ, là giai đoạn nhẹ và khởi đầu. Theo nhiều nghiên cứu khoa học việc điều chỉnh lối sống tích cực có thể ngăn giảm nguy cơ phát bệnh đến 58% và chậm phát triển thành ĐTĐ rất hiệu quả.