Rò trực tràng - âm đạo là tình trạng tồn tại một đường nối thông bất thường giữa niêm mạc của 2 cơ quan này. Bệnh lý này ít phổ biến nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh.
1. Nguyên nhân
Nguyên nhân phổ biến nhất của rò trực tràng - âm đạo là do chấn thương sản khoa gây ra (85%), bao gồm: chuyển dạ kéo dài, thai to, rách âm đạo khi sinh, nhiễm trùng vết cắt tầng sinh môn khi sinh; các phẫu thuật liên quan đến thành âm đạo như: cắt tử cung, cắt trực tràng, phẫu thuật longo, phẫu thuật sa trực tràng... Các bệnh lý nhiễm khuẩn: bệnh crohn, lao ruột, ung thư cũng là những nguyên nhân thường gặp gây ra rò trực tràng âm đạo. Ngoài ra, tổn thương đường rò này còn gặp ở những trường hợp sau xạ trị vùng chậu. Rò bẩm sinh rất hiếm gặp.
2. Triệu chứng
Triệu chứng phổ biến nhất là chảy dịch bất thường qua âm đạo, mùi hôi thối, thậm chí có thể có phân trong âm đạo, có cảm giác xì hơi qua âm đạo khi trung đại tiện. Nhiều trường hợp bị chẩn đoán nhầm là viêm âm đạo.
Khi kiểm tra trực tràng - âm đạo bằng ống soi nhìn thấy lỗ rò, có thể thấy phân trong âm đạo.
Chẩn đoán bệnh phải xác định được sự hiện diện của đường rò, vị trí và kích thước của các lỗ rò; biết được nguyên nhân gây ra rò như các thủ thuật/ phẫu thuật làm trước đó, viêm nhiễm đường ruột, có tiền sử xạ trị, hay có u tân sinh hay không.
Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh để xác định lỗ rò bao gồm: chụp cản quang đường rò, siêu âm hậu môn, chụp cộng hưởng từ.
3. Phân loại
3.1. Theo kích thước lỗ rò
- Loại nhỏ: đường kính lỗ rò (<) dưới 0,5 cm.
- Loại trung bình: đường kính lỗ rò trong khoảng từ 0,5 – 2,5 cm.
- Loại lớn: đường kính lỗ rò trên 2,5 cm.
3.2. Theo vị trí lỗ rò
- Vị trí cao: đường rò nằm ngang mức túi cùng sau âm đạo và 1/3 giữa trực tràng.
- Vị trí trung bình: đường rò nằm giữa 1/3 dưới trực tràng và đoạn giữa âm đạo.
- Vị trí thấp: đường rò nằm ở vùng hậu môn - trực tràng.
Vị trí lỗ rò thấp và đường kính lỗ rò từ trung bình trở xuống được gọi là rò đơn giản. Rò cao đường kính lỗ rò lớn, rò sau xạ trị, bệnh ác tính là rò phức tạp, điều trị khó khăn.
4. Điều trị
Rò do ung thư, bệnh lao, crohn thì phải điều trị triệt để nguyên nhân gây ra bệnh.
4.1. Điều trị nội khoa
Chỉ định cho những trường hợp rò nhỏ có đường kính lỗ rò dưới 5mm trong thời gian từ 3-6 tháng. Nội dung điều trị gồm: kháng sinh, vệ sinh tại chỗ, chống táo bón. Tỷ lệ khỏi từ 52% - 66%.
4.2. Phẫu thuật
Làm hậu môn nhân tạo
Đây là phẫu thuật nhằm mục đích giảm đau, giảm triệu chứng lâm sàng trầm trọng ở những trường hợp rò phức tạp. Tuy nhiên, ở người bệnh rò sau mổ cắt trực tràng thấp thì làm hậu môn nhân tạo là biện pháp tốt nhất để điều trị giúp liền đường rò.
Phẫu thuật xử lý đường rò
Phẫu thuật xử lý đường rò được thực hiện qua nhiều ngả khác nhau: Đường vào qua ngả âm đạo, qua trực tràng hoặc qua tầng sinh môn được dùng cho rò thấp và rò trung bình. Đường vào qua ngả bụng được thực hiện cho rò cao (rò phức tạp).
Một số hình ảnh phẫu thuật:
Lỗ rò ( đầu mũi tên)
Phẫu thuật khâu lỗ rò qua đường âm đạo
Khâu đóng thành âm đạo
Trường hợp lâm sàng điển hình được điều trị tại bệnh viện
Bệnh nhân nữ 32 tuổi vào viện vì chảy dịch hôi ở âm đạo. Cách đây khoảng hơn 3 năm, người bệnh có tiền sử đẻ thường đường dưới, thai to trên 4.000 gram, khi sinh bị rách âm đạo và phải tiến hành khâu tầng sinh môn.
Khoảng 1 năm trở lại đây, người bệnh thấy có hơi, dịch phân và phân xì vào âm đạo. Khi đến Bệnh viện khám và soi trực tràng thấy có lỗ rò thông giữa trực tràng và âm đạo đường kính 1cm cách mép âm đạo 3cm. Người bệnh được làm thêm các xét nghiệm: cộng hưởng từ, sinh thiết tổ chức đường rò (lành tính) và được chẩn đoán: rò âm đạo trực tràng do chấn thương sản khoa. Các bác sĩ đã chỉ định và tiến hành phẫu thuật vá đường rò qua đường âm đạo. Sau phẫu thuật 1 tuần, người bệnh ăn uống, đại tiện bình thường, đường mổ liền tốt và đã được xuất viện.
Khoa Ngoại tiêu hóa & Tổng hợp