Viêm da cơ địa là dạng tổn thương do phản ứng dị ứng của cơ thể, là bệnh viêm da tái phát mạn tính, với cơ chế bệnh sinh phức tạp liên quan đến tính nhạy cảm di truyền, rối loạn chức năng miễn dịch và biểu bì, cũng như các yếu tố môi trường gây tổn thương da cho người bệnh. Tuy không gây nguy hiểm tính mạng, song viêm da cơ địa đã và đang trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với nhiều người bệnh vì sự khó chịu mà nó gây ra . Bệnh ngoài các triệu chứng đặc trưng là các đám ban đỏ hình tròn, bong trợt da, trên bề mặt có các mụn nước, vảy, phù nề xung quanh và lở loét thì ngứa là triệu chứng chính.
Ngứa dữ dội là một đặc điểm chính khi bị viêm da cơ địa. Ngứa thường xuất hiện trước các tổn thương, khiến người bệnh gãi nhiều. Tuy nhiên, việc gãi nhiều lại khiến các vùng tổn thương càng ngứa hơn, và người bệnh lại gãi nhiều hơn. Do đó, kiểm soát ngứa và phá vỡ chu kì ngứa - gãi là rất quan trọng.
Ngứa dữ dội là một đặc điểm chính khi bị viêm da cơ địa (Hình ảnh minh họa)
Để làm giảm các triệu chứng ngứa, khiến người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, có thể sử dụng các thuốc kháng Histamin dạng uống. Cơ chế hoạt động của các thuốc nhóm này là ức chế giải phóng histamin, chất gây ra phản ứng dị ứng. Do đó, thuốc thường được chỉ định điều trị viêm da cơ địa giai đoạn cấp tính và mạn tính. Thuốc được chia thành thế hệ 1 và thế hệ 2.
Hiện nay, trong điều trị bệnh viêm da cơ địa, các thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2 thường được ưu tiên chỉ định. Các thuốc này có nguy cơ gây buồn ngủ thấp hơn, ít gây an thần hơn, cụ thể:
- Loratadin:
+ Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: Uống 10mg/lần x 1 lần/ngày hoặc uống 5mg/lần x 2 lần/ngày
+ Trẻ em từ 2- dưới 12 tuổi:
Cân nặng ≥ 30kg: Uống 10mg/lần, 1 lần/ngày
Cân nặng < 30kg: Uống 5mg/lần, 1 lần/ngày
Thuốc hiệu quả trong việc giảm ngứa, mày đay do viêm da cơ địa. Lưu ý, trong thời gian dùng thuốc người bệnh có thể bị khô miệng (đặc biệt là người già), tăng nguy cơ sâu răng, do đó cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Cần thận trọng khi dùng loratadin cho người bệnh suy gan, suy thận, phụ nữ đang cho con bú.
- Fexofenadin:
+ Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: 60mg/lần, 2 lần/ngày hoặc 180mg/lần, 1 lần/ngày
+ Trẻ em từ 6 – dưới 12 tuổi: 30mg/lần, 2 lần/ngày
Tuy fexofenadin ít gây buồn ngủ, tuy nhiên vẫn cần thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc. Tránh dùng fexofenadin với rượu vì làm tăng nguy cơ an thần (gây buồn ngủ). Ngoài ra cần thận trọng khi dùng cho người bệnh suy giảm chức năng thận, và người cao tuổi (trên 65 tuổi).
- Cetirizin:
+ Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: Uống 10mg/lần, 1 lần/ngày
+ Trẻ em từ 6 – dưới 12 tuổi: Uống 5mg/lần, 2 lần/ngày
+ Trẻ em từ 2 – dưới 6 tuổi: Uống 2,5mg/lần, 2 lần/ngày
+ Trẻ em 12 tháng – dưới 2 tuổi: Uống 2,5mg/lần, 2 lần/ngày
+ Trẻ em 6 tháng – dưới 12 tháng: Uống 2,5mg/lần/ngày
+ Người cao tuổi: Uống 5mg/lần/ngày
Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc này là gây ngủ gà. Cần tránh dùng đồng thời với rượu và các thuốc ức chế thần kinh trung ươngvì sẽ làm tăng thêm tác dụng phụ của thuốc này. Với người bệnh suy gan, suy thận cần phải điều chỉnh liều cho phù hợp. Lưu ý tránh dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú và thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc do thuốc gây buồn ngủ.
Bệnh viêm da cơ địa không phải là bệnh nguy hiểm tới tính mạng, và cũng khó để điều trị được dứt điểm nhưng có thể kiểm soát bằng một số phương pháp, giúp người bệnh chung sống “hòa bình” với bệnh, đặc biệt là giúp họ giảm các triệu chứng ngứa ngáy gây khó chịu. Người bị viêm da cơ địa nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ bác sĩ để có phương pháp phù hợp giúp giảm ngứa một cách an toàn, hiệu quả.
Khoa Dược