Hội thảo nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ và dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch
Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là căn bệnh có tỉ lệ tử vong đứng hàng đầu ở cả nam và nữ. Khi một người không may bị đột quỵ, cứ mỗi giây trôi qua có đến 32.000 tế bào não chết; sau 59 giây thì có 1,9 triệu tế bào não sẽ chết. Vì vậy, phát hiện sớm người bệnh đột quỵ, sơ cứu, chuyển viện đúng và tranh thủ “giờ vàng” can thiệp cấp cứu đột quỵ càng sớm thì khả năng cứu sống và hạn chế tối đa các biến chứng cho người bệnh càng cao.
Nhằm mang lại hiệu quả cao trong điều trị đột quỵ và phòng tránh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (TTHKTM) cho người bệnh, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí đã phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ và dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch” diễn ra vào ngày 15/1/2024. Tham dự Hội thảo, ngoài bác sĩ, điều dưỡng các khoa lâm sàng, cận lâm sàng của Bệnh viện như khoa Tâm thần kinh – Cơ xương khớp, khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực Nội, Ngoại thần kinh, Chẩn đoán hình ảnh, Phục hồi chức năng… còn có các bác sĩ khoa Nội, khoa Hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu của các đơn vị y tế trên địa bàn như TTYT TP. Uông Bí, Thị xã Quảng Yên, Thị xã Đông Triều, TTYT Mạo Khê, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Toàn Tâm. BSCKII. Lê Đức Điệp – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tham dự và chủ trì Hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
BSCKII. Lê Đức Điệp – Phó Giám đốc Bệnh viện chủ trì Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tại Hội thảo, BSCKII. Nguyễn Tiến Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai đã trình bày báo cáo về “Nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ”. Trong đó nhấn mạnh về việc rút ngắn tối đa thời gian các bước tiếp nhận, làm xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị người bệnh đột quỵ. Với các phương thức như: Thông tin trước cho đơn vị cấp cứu khi có người bệnh đột quỵ đang được chuyển đến; Khởi động hệ thống cấp cứu đột quỵ; Ưu tiên người bệnh đột quỵ; Quy trình chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm nhanh chóng; Sẵn sàng sử dụng thuốc tiêu sợi huyết hoặc can thiệp mạch sớm nhất ngay khi có chỉ định; Phối hợp nhiều chuyên ngành theo nhóm… Tất cả vì mục tiêu tranh thủ “giờ vàng” (từ 3 đến 6 tiếng bắt đầu từ khi người bệnh có dấu hiệu đột quỵ) trong cấp cứu và điều trị người bệnh đột quỵ. BSCKII. Nguyễn Tiến Dũng cũng chia sẻ các nội dung về cập nhật hướng dẫn điều trị tái tưới máu, chiến lược điều trị dự phòng đột quỵ tại Bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ cho người bệnh.
BSCKII. Nguyễn Tiến Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai báo cáo tại Hội thảo
Ts. Bs. Vũ Việt Hà – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội báo cáo tại Hội thảo
Tiếp đó, Ts. Bs. Vũ Việt Hà – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ các nội dung về “Dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cho bệnh nhân sau đột quỵ”. TTHKTM được gọi là “sát thủ thầm lặng” vì tỉ lệ tử vong cao mà đa số các trường hợp tử vong lại không có triệu chứng trước đó. Do vậy, việc dự phòng TTHKTM cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh sau đột quỵ là điều vô cùng quan trọng. Tại Hội thảo, Ts. Bs. Vũ Việt Hà đã chia sẻ các kiến thức tổng quan về TTHKTM; Chiến lược dự phòng chung; và dự phòng trên từng đối tượng người bệnh (nội khoa, ngoại khoa, ung thư, sản khoa). Trong đó giới thiệu các bảng kiểm đánh giá TTHKTM tương ứng với từng đối tượng như: Thang điểm PADUA, thang điểm Caprini, thang điểm AIS-GCS, thang điểm Khorana, thang điểm OBRI…
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo
Những năm gần đây công tác cấp cứu điều trị người bệnh đột quỵ đã có nhiều chuyển biến. Việc triển khai cấp cứu điều trị sớm cho người bệnh luôn được các đơn vị y tế chú trọng thực hiện. Tại Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí đã thành lập Đơn nguyên Đột quỵ, thuộc khoa Tâm thần kinh - Cơ xương khớp, đảm bảo người bệnh đột quỵ được cấp cứu nhanh chóng, điều trị chuyên sâu. Với vị thế là một cơ sở y tế tiếp nhận cấp cứu, điều trị không chỉ cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, mà còn điều trị cho người dân các tỉnh/thành lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, qua các kiến thức được cập nhật, chia sẻ trong Hội thảo sẽ giúp đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện trau dồi thêm kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ và dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cho người bệnh.
Tổ Công tác xã hội