Bảo quản thực phẩm đúng cách sẽ giúp thực phẩm giữ được độ tươi ngon, đảm bảo các giá trị dinh dưỡng. Nếu bảo quản không đúng cách thực phẩm sẽ dễ bị lên men, hư hỏng, nhiễm khuẩn, nhiễm các loại vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng… khi ăn vào có thể gây tổn thương về đường tiêu hóa, gây ngộ độc cấp tính, hoặc dẫn đến tình trạng suy các cơ quan, thậm chí có thể gây ung thư nếu sử dụng thực phẩm không an toàn trong thời gian dài.
Đặc biệt khi thời tiết chuyển sang mùa hè, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là một trong những tác nhân khiến thực phẩm rất dễ bị hư hỏng, do vậy việc bảo quản thực phẩm đúng cách để đảm bảo sức khỏe rất đáng được quan tâm.
1. Bảo quản thực phẩm sống
* Bảo quản thực phẩm ở môi trường bên ngoài: gạo, các loại hạt, rau dạng củ quả có vỏ dày như khoai mỡ, bí đỏ, khoai tây, khoai lang… có thể để được ở môi trường bên ngoài 2 tuần mà vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng (với điều kiện không dính nước vào).
* Bảo quản tủ lạnh ngăn mát:
- Sữa, bơ, thực phẩm chế biến chín dự kiến ăn ngay trong ngày phải cất vào hộp đựng thực phẩm.
- Rau có lá, cắt sạch, không để dính nước bọc trong túi nilon có thể để 5 ngày vẫn đảm bảo được giá trị dinh dưỡng.
- Các loại rau mềm có nhiều nước như mồng tơi thì nên sử dụng trong vòng 3 ngày thì sẽ đảm bảo giữ được lượng vitamin trong rau. Cà chua nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, nếu cất giữ trong tủ lạnh sẽ làm hỏng lớp màng bên trong, làm thay đổi hương vị, cà chua sẽ bị nhạt, mất giá trị dinh dưỡng. Cà chua sẽ chín đều và thơm ngon hơn khi để ở nhiệt độ phòng.
- Trứng để trong tủ lạnh ở ngăn để trứng, có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 50 C trong vòng 30 - 45 ngày (với điều kiện không được rửa nước). Ở nhiệt độ phòng sử dụng trong vòng 7 - 10 ngày. Tuy nhiên trứng đã để trong tủ lạnh khi lấy ra môi trường bên ngoài phải sử dụng luôn để đảm bảo giá trị dinh dưỡng.
- Hoa quả bảo quản ở ngăn riêng, không để táo chung với các loại quả khác vì khí ethylene trong táo tỏa ra khiến các loại quả khác nhanh chín hơn. Dưa hấu nếu để cả quả thì nên ở môi trường bên ngoài, nếu đã cắt ra thì phải bọc cẩn thận rồi mới cất vào tủ lạnh để tránh nhiễm khuẩn và nhiễm các mùi thực phẩm khác. Chuối không nên bảo quản tủ lạnh vì dễ thâm, nhũn mất giá trị dinh dưỡng. Nếu để trong tủ lạnh phải bọc cuống lại để chuối được tươi lâu hơn.
* Bảo quản ở ngăn đông: Đảm bảo nhiệt độ ở ngăn đông dưới -15oC. Các loại thịt cá, hải sản nên chia thành từng phần nhỏ đủ lượng ăn trong ngày, có thể bảo quản ngăn đông 01 tháng mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng.
Khi sử dụng, nên rã đông thực phẩm bằng cách cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn mát để làm tăng nhiệt độ từ từ sau đó mang ra môi trường bên ngoài thì thực phẩm sẽ tan đá và không bị mất chất dinh dưỡng.

Nhiệt độ bảo quản thực phẩm tương ứng với các ngăn lạnh của tủ lạnh
2. Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn
- Nếu thức ăn phải chuẩn bị trước hoặc phải đợi sau 3 giờ thì cần giữ nóng ở nhiệt độ 60 độ C hoặc duy trì ở điều kiện lạnh ≤ 10 độ C. Với trẻ nhỏ, phải cho ăn ngay sau khi thức ăn vừa nguội và không áp dụng cách bảo quản này.
- Không đưa quá nhiều thức ăn còn ấm hoặc thức ăn còn đang nóng vào tủ lạnh.
- Không để lẫn thực phẩm sống với thức ăn chín.
- Không dùng dao, thớt vừa cắt, thái thịt sống chưa được rửa sạch để thái thức ăn chín. Nên sử dụng riêng 2 thớt để thái đồ chín và đồ sống.
- Thức ăn phải đậy kỹ tránh ruồi, côn trùng xâm nhập.
- Không dùng tay để bốc thức ăn chín hay cầm đá để pha nước uống.
- Không để các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hoặc các chất độc hại khác ở trong khu chế biến thực phẩm.
- Bảo quản tốt các thực phẩm đóng gói theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Đun lại thức ăn ở nhiệt độ sôi đồng đều ngay trước khi ăn là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản.

Nên rã đông thực phẩm bằng cách cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn mát để làm tăng nhiệt độ từ từ sau đó mang ra môi trường bên ngoài (Hình ảnh minh hoạ)
Để bảo quản thực phẩm đúng cách, không nên tích trữ thực phẩm quá nhiều, thực phẩm mua trước nên sử dụng trước. Thực phẩm tươi sống nhiều nước như tôm, cá nên ăn trước.
Trên đây, là một số cách giúp bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng và phòng tránh ngộ độc thực phẩm.