Trong thời kỳ kinh nguyệt, do có những thay đổi đặc biệt trong chu kỳ sinh lý nên phụ nữ cần đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn khi dùng thuốc. Nhiều phụ nữ rất thận trọng khi dùng thuốc trong thời kỳ mang thai, sinh nở và cho con bú, nhưng lại có bỏ qua hoặc chủ quan khi dùng thuốc trong thời kỳ kinh nguyệt.
Đây là điều đáng lưu tâm là việc sử dụng thuốc không đúng cách trong thời kỳ kinh nguyệt có thể gây ra những bất thường về kinh nguyệt, ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc và gây ra những phản ứng phụ bất lợi khác ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cần cẩn trọng khi dùng thuốc trong kỳ kinh nguyệt (hình minh họa)
Phụ nữ cần lưu ý một số loại thuốc cần tránh hoặc thận trọng trong thời kỳ kinh nguyệt:
1. Các thuốc có tác dụng chống đông máu
Đây là nhóm thuốc cần được đặc biệt lưu ý. Những loại thuốc có tác dụng chống đông máu như warfarin, heparin natri, clopidogrel, aspirin … có thể làm giảm chức năng đông máu của cơ thể, có thể dẫn đến tăng lượng máu kinh nguyệt và kéo dài thời gian kinh nguyệt.
Ngoài ra, các loại thuốc đông y có tác dụng bổ huyết cũng cần thận trọng khi sử dụng, như thuốc đông y có chứa các thành phần như tam thất, nghệ tây...
2. Các thuốc hormone
Sự tổng hợp và cân bằng chuyển hóa hormone của con người cũng liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Do đó, thuốc hormone nên được sử dụng thận trọng trong thời kỳ kinh nguyệt để tránh mất cân bằng.
Ví dụ, androgen có thể gây rối loạn kinh nguyệt và ức chế rụng trứng; progesterone có thể gây đau ngực hoặc chảy máu âm đạo bất thường; thuốc tránh thai đường uống có thể gây đau ngực hoặc chảy máu đột ngột; hormone vỏ thượng thận có thể gây vô kinh hoặc đầy bụng.
3. Các thuốc chống viêm không steroid
Thuốc chống viêm không steroid được dùng để giảm đau bụng kinh, nhưng cần thận trọng vì một số loại thuốc có thể gây rối loạn kinh nguyệt. Có trường hợp người bệnh bị gián đoạn kinh nguyệt khi dùng naproxen để điều trị đau bụng kinh. Khi sử dụng diclofenac và naproxen đã xảy ra trường hợp giảm kinh nguyệt và thậm chí vô kinh.
Trên thực tế, paracetamol và ibuprofen là các thuốc tương đối an toàn, nhưng bạn nên chú ý đến giới hạn liều dùng hàng ngày. Dùng loại thuốc này quá liều có thể gây tổn thương gan.
4. Thuốc đặt âm đạo
Về mặt sinh lý, vào những ngày có kinh nguyệt, cổ tử cung giãn ra, kinh nguyệt và niêm mạc bị bong tróc sẽ bị đào thải ra ngoài theo đường âm đạo. Nếu trong những ngày này đặt thuốc điều trị viêm âm đạo sẽ tạo thành vật cản không cho hỗn hợp bị đào thải thoát ra ngoài. Máu kinh lại là môi trường thích hợp cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển gây viêm nhiễm âm đạo và cổ tử cung.
Hơn nữa, thuốc thường bị trôi ra ngoài theo máu kinh nên không có tác dụng nhiều trong âm đạo.
5. Các thuốc có tác dụng giảm cân
Một số loại thuốc giảm cân có thể có tác dụng lợi tiểu. Tuy nhiên, trong kỳ kinh nguyệt, việc mất nước có thể gây mất cân bằng điện giải, làm tăng cảm giác mệt mỏi, chóng mặt và đau đầu. Ngoài ra một số thuốc giảm cân như sibutramine có thể có tác dụng phụ như loạn nhịp tim, mất ngủ, hoặc kích thích hệ thần kinh. Trong khi cơ thể đang trong giai đoạn thay đổi hormone, những tác dụng phụ này có thể trở nên trầm trọng hơn.
Như vậy, tính an toàn của thuốc trong thời kỳ kinh nguyệt là cần được quan tâm chú ý. Cùng với việc thận trọng khi dùng thuốc, phụ nữ cũng nên chú ý đến việc chăm sóc hằng ngày trong thời kỳ kinh nguyệt. Duy trì thói quen sống tốt, tránh mệt mỏi quá mức và giữ tâm trạng tốt đều có thể giúp giảm bớt sự khó chịu trong kỳ kinh nguyệt.
Để bảo vệ và duy trì sức khỏe, phụ nữ không thể bỏ qua việc khám phụ khoa định kỳ. Đây là biện pháp quan trọng giúp phát hiện, điều trị kịp thời những bất thường về kinh nguyệt. Khi có những thắc mắc về việc sử dụng thuốc, người dân có thể liên hệ với bác sỹ để được tư vấn và giải đáp.
Khoa Dược