Nhịp sống hiện đại đôi khi khiến chúng ta không có đủ thời gian để nghỉ ngơi. Những căng thẳng trong cuộc sống, áp lực trong công việc có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ, ngủ không đủ giấc, hoặc ngủ không ngon giấc…
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng với sức khỏe tương tự như vai trò của chế độ ăn uống và luyện tập thể dục. Giấc ngủ ngon giúp cải thiện khả năng làm việc của não bộ, tâm trạng và sức khỏe.
Ngủ không đủ giấc xảy ra thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý như: bệnh lý tim mạch, đột quỵ, béo phì, suy giảm và mất trí nhớ.
Tại sao chúng ta cần ngủ?
Theo Tiến sĩ Maiken Nedergaard, nghiên cứu về giấc ngủ tại Đại học Rochester (Hoa Kỳ): Mọi người thường nghĩ rằng giấc ngủ chỉ là “thời gian cho não bộ nghỉ ngơi”. Nhưng điều đó là hoàn toàn sai. Trong khi ngủ, não bộ vẫn làm việc. Giấc ngủ giúp bộ não học hỏi, ghi nhớ và sáng tạo. Nedergaard và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng não có một hệ thống thoát nước giúp loại bỏ chất độc trong khi ngủ. Cô giải thích: “Khi chúng ta ngủ, bộ não hoàn toàn thay đổi chức năng, gần giống như một quả thận, loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể”. Nhiên cứu trên não chuột đã tìm thấy hệ thống thoát nước loại bỏ một số protein liên quan đến bệnh Alzheimer. Những chất độc này được loại bỏ khỏi não nhanh gấp đôi trong khi ngủ.
Một số nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra vai trò quan trọng của giấc ngủ (Hình ảnh minh hoạ)
Theo Tiến sĩ Kenneth Wright, Jr., nghiên cứu về giấc ngủ tại Đại học Colorado (Hoa Kỳ), cho biết mọi thứ từ mạch máu đến hệ thống miễn dịch trong cơ thể đều coi giấc ngủ là thời gian để sửa chữa. Ông giải thích: “Có một số quá trình sửa chữa trong cơ thể thực hiện hiệu quả nhất trong khi ngủ. Nếu bạn không ngủ đủ giấc, những quá trình đó sẽ bị xáo trộn”.
Với các nghiên cứu kể trên, bạn có thể phần nào hình dung được vai trò quan trọng của giấc ngủ!
Theo Tiến sĩ Kenneth Wright, Jr., nghiên cứu về giấc ngủ tại Đại học Colorado (Hoa Kỳ), cho biết mọi thứ từ mạch máu đến hệ thống miễn dịch trong cơ thể đều coi giấc ngủ là thời gian để sửa chữa
(Hình ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, ngủ nhiều không phải lúc nào cũng tốt. Giấc ngủ ngon hay còn gọi giấc ngủ lành mạnh bao gồm ba vấn đề sau: Thứ nhất, thời gian cho giấc ngủ của bạn là bao nhiêu? Thứ 2 là chất lượng giấc ngủ của bạn như thế nào. Chất lượng giấc ngủ đặc biệt quan trọng, nó giúp cho bạn có được giấc ngủ sảng khoái, không bị gián đoạn, một giấc ngủ tỉnh dậy liên tục không thể gọi là giấc ngủ ngon. Cuối cùng là lịch trình ngủ phù hợp.
Những người làm việc theo ca hoặc làm việc theo lịch trình không đều đặn có thể sẽ thấy khó ngủ hơn. Các chuyên gia khuyến cáo trẻ em nên ngủ ít nhất 9 giờ mỗi đêm, thanh thiếu niên nên ngủ từ 8-10 giờ mỗi đêm. Người trưởng thành cần ngủ ít nhất 7 giờ hoặc có thể hơn mỗi đêm. Có nhiều quan điểm về thời gian ngủ không đúng như là người cao tuổi nên ngủ ít hơn khi họ già đi. Điều này không đúng. Người cao tuổi vẫn cần ngủ một lượng như vậy. Nhưng chất lượng giấc ngủ có thể sẽ kém hơn. Nguyên nhân là do người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý phải dùng thuốc điều trị, các thuốc này có thể gây cản trở giấc ngủ. Một quan điểm sai lầm khác về giấc ngủ là bạn có thể thiếu ngủ những ngày trong tuần và ngủ bù vào những ngày nghỉ cuối tuần. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng điều này phần lớn không phải như vậy. Bạn có một giấc ngủ không ngon vào đêm hôm trước và chợp mắt hoặc ngủ lâu hơn vào đêm hôm sau, điều đó có thể có lợi. Nhưng nếu trong tuần ngủ quá ít, cuối tuần sẽ không đủ để ngủ bù. Đó không phải là một giấc ngủ lành mạnh.
Nghiên cứu gần đây trên những người thiếu ngủ, sẽ dễ tăng cân, và khả năng kiểm soát đường huyết kém hơn so với người có giấc ngủ lành mạnh.
Nếu bạn đang khó ngủ! Một số mẹo dưới đây có thể giúp bạn ngủ ngon hơn mỗi ngày:
1. Xây dựng lịch trình ngủ cố định. Đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm trong ngày. Kể cả ngày cuối tuần hoặc ngày nghỉ.
2. Tập thể dục hàng ngày. Lưu ý không tập thể dục sát vào thời gian đi ngủ.
3. Tránh uống cà phê hoặc hút thuốc lá trước khi đi ngủ. Các chất này khiến bạn tỉnh táo. Cà phê có thể mất từ 6-8 giờ để đào thải ra khỏi cơ thể.
4. Không nên ngủ quá nhiều vào giấc ngủ trưa.
5. Tránh uống rượu, không ăn quá no trước khi đi ngủ.
6. Tạo môi trường ngủ: hạn chế tiếp xúc đồ điện tử trước khi đi ngủ (VD: xem điện thoại, chơi game…) Thay vào đó hãy đọc sách, nghe nhạc nhẹ. Giữ nhiệt độ phòng phù hợp, đảm bảo dễ chịu, thoải mái. Phòng ngủ cần yên tĩnh, tránh ồn áo, tránh ánh sáng.
7. Nếu không thể ngủ sau 20 phút nằm trên giường. Nên thực hiện các hoạt động thư giãn cho đến khi buồn ngủ trở lại. Việc cố gắng nằm trên giường sẽ làm bạn thao thức, khó ngủ hơn.
8. Cuối cùng, để có một giấc ngủ lành mạnh. Bạn cần đi ra ngoài, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tự nhiên, ít nhất 30 phút mỗi ngày.