Người bệnh Chu Văn T. 62 tuổi trú tại Trưng Vương,Uông Bí gần đây phát hiện mắc bệnh lý suy thận mạn tính độ 3. Bệnh lý tiến triển nhanh tình trạng sức khỏe người bệnh giảm sút, mệt mỏi được nhập viện khám và điều trị theo phác đồ dành cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối chu kỳ 2 ngày/lần tại bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí. Đặc biệt người bệnh có tiền sử phình tách động mạch chủ bụng được đặt stent động mạch 6 tháng trước tại bệnh viện Hà Nội. Tuổi cao, sức đề kháng kém kèm theo huyết áp cao, ngày 18/2 người bệnh thấy mệt mỏi nhiều, đi ngoài 2 lần/ngày phân nát, đen... qua thăm khám lâm sàng, xét nghiệm và nội soi dạ dày các Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị chảy máu thực quản; viêm loét, xuất huyết dạ dày, tá tràng trên người bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối.
Qua quá trình điều trị nội khoa bằng thuốc giảm tiết dịch, cộng thêm truyền 8 đơn vị máu và nội soi can thiệp kẹp clip cầm máu nhưng không hiệu quả. Ngày 22/2 đang trong quá trình lọc máu cấp cứu xuất hiện nôn ra dịch dạ dày và thức ăn lẫn máu cục. Theo dõi kết quả trên lâm sàng và xét nghiệm cho thấy lượng máu trong dạ dày người bệnh chảy nhiều đe dọa đến tính mạng. Các bác sĩ khoa Nội Thận - Tiết Niệu và khoa Ngoại Tổng hợp đã nhanh chóng hội chẩn và quyết định phẫu thuật. Trường hợp phẫu thuật trên người bệnh suy thận mạn tính như người bệnh T. thì đây là một thách thức đối với các Bác sĩ. Trưởng khoa Nội thận Tiết Niệu – Bs.CKII Đinh Công Sơn cho biết: Với người bệnh lọc máu chu kỳ như trường hợp trên vấn đề quan trọng là sử dụng thuốc chống đông máu trong chạy thận nhân tạo kết hợp với phẫu thuật.
Lọc máu (chạy thận nhân tạo) có chu kỳ là một trong 3 phương pháp điều trị thay thế (chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc và ghép thận) cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối. Tùy từng điều kiện mà người bệnh điều trị bằng các phương pháp khác nhau. Trong phương pháp lọc máu có chu kỳ điều đáng lưu ý là phải sử dụng thuốc chống đông cho người bệnh trong suốt quá trình chạy thận. Ekip phẫu thuật gồm đội ngũ các Bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê, kỹ thuật viên hồi sức của bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí nhanh chóng tiến hành phẫu thuật. Sau 1 tiếng rưỡi mổ hút dịch, tìm và khâu cầm máu ổ loét (đường kính 1,5cm) ở khúc 2 tá tràng – vị trí khó tìm và rất dễ bị bỏ sót , đặt sonde nuôi dạ dày ruột… ekip đã hoàn toàn làm chủ được ca phẫu thuật. Sau mổ người bệnh đã qua cơn nguy kịch và đến thời điểm hiện tại người bệnh đã ăn uống bình thường, sức khỏe tiến triển tốt đang tiếp tục điều trị lọc máu theo chu kỳ tại khoa Nội Thận - Tiết Niệu.
Đây là 1 trong nhiều ca bệnh khó mà bệnh viện tiếp nhận và xử trí cấp cứu kịp thời. Trước trường hợp này các Bác sĩ đã phẫu thuật xuất huyết não, phẫu thuật tắc ruột do dính, thủng dạ dày … trên người bệnh lọc máu chu kỳ. Bằng năng lực, bằng trách nhiệm và bằng y đức của người thầy thuốc, các bác sĩ bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí luôn cố gắng nỗ lực hết mình vì sức khỏe và sự hài lòng của người bệnh.
Một số hình ảnh ca bệnh
Vết mổ trên người bệnh T.
Vết mổ trên người bệnh T.
Người bệnh T. điều trị tại khoa Nội Thận - Tiết Niệu