Hè đến, thời tiết oi bức, nóng nực khiến nhiều người dễ bị mất nước, mệt mỏi. Vì thế để giải tỏa mệt mỏi và sự khó chịu do nóng bức, đa số chúng ta thường tìm cách hạ nhiệt bằng những loại nước giải khát, trong đó có C sủi (viên sủi vitamin C). Tuy nhiên, không nên coi C sủi như một thức uống duy nhất làm “mát” trong mùa nắng nóng vì dùng quá nhiều và thường xuyên có thể gây rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày, tăng tạo sỏi thận...
Vào mùa hè nóng bức, đa số chúng ta thường tìm cách hạ nhiệt bằng những loại nước giải khát, trong đó có viên C sủi (Hình ảnh minh họa)
Việc sử dụng viên uống C sủi không chỉ có tác dụng cung cấp vitamin C cho cơ thể mà còn có nhiều tác dụng khác như: tăng sức đề kháng, làm chậm quá trình lão hóa da, tăng cường vận chuyển các chất dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe tim mạch, đào thải độc tố, hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi và sắt cho cơ thể.
Tuy nhiên, vào thời tiết oi bức, có người uống 4 đến 5 viên C sủi mỗi ngày nhưng không hề biết: nếu quá lạm dụng C sủi sẽ gây ra tình trạng thừa vitamin C, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể. Bên cạnh đó, nếu dùng liên tục trong thời gian dài hơn 3 tháng sẽ có nguy cơ gây ra bệnh sỏi thận. Đối với trẻ em, sử dụng quá nhiều vitamin C dạng viên sủi còn có nguy cơ loét dạ dày, tiêu chảy...
Trên thị trường có nhiều loại viên sủi với hàm lượng vitamin C khác nhau, từ 100mg đến 500mg. Tuy nhiên, liều thông dụng nhất là 1000mg, trong khi đó, hàng ngày chỉ cần bổ sung từ 60-100mg là đủ, vì thế, nếu mỗi ngày uống 1 viên C sủi hàm lượng trên 100mg là đã dư thừa.
Tốt nhất nên bổ sung vitamin C từ chế độ ăn uống thay vì chỉ sử dụng các loại dược phẩm bổ sung (Hình ảnh minh họa)
Vậy để tránh các tác dụng phụ của C sủi, cần sử dụng C sủi đúng cách:
- Uống 01 viên sủi vitamin C/ngày khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin C hoặc cần tăng cường miễn dịch khi bị cảm cúm. Tốt nhất uống vào buổi sáng sau khi ăn no để hạn chế tác dụng kích thích và không nên dùng vào buổi tối.
- Không sử dụng cho người tăng huyết áp, người bệnh thận.
- Bảo quản viên sủi vitamin C trong hộp kín và có bao bì chống ẩm, ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh sáng trực tiếp.
- Không được sử dụng vitamin C khi ăn các loại động vật có vỏ sống trong nước như tôm, vì có thể gây chết người do tạo thành chất thạch tín.
- Tốt nhất nên bổ sung vitamin C từ chế độ ăn uống thay vì chỉ sử dụng các loại dược phẩm bổ sung. Những người ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thường không cần bổ sung vitamin C từ viên sủi.
- Chỉ nên bổ sung vitamin C trong thời ngắn hạn (dưới 3 tháng). Còn với liều từ 3 tháng trở lên, nhất định cần được bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng.
Khoa Dược