Thuốc được sử dụng với mục đích điều trị, cải thiện một tình trạng sức khỏe, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Khi một người bệnh đồng thời sử dụng hai hay nhiều loại thuốc, có thể dẫn tới hiện tượng các thuốc làm giảm, mất tác dụng hoặc tăng độc tính của nhau. Hiện tượng này được gọi là tương tác thuốc. Tương tác thuốc có thể làm giảm bớt tác dụng của thuốc, gây ra tác dụng không mong muốn hay thậm chí làm tăng tác dụng phụ của một số thuốc nhất định, làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi một người bệnh đồng thời sử dụng hai hay nhiều loại thuốc, có thể dẫn tới hiện tượng các thuốc
(Hình ảnh minh họa)
Tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, đội ngũ nhân viên dược lâm sàng có chất lượng cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa dược sĩ và bác sĩ điều trị, mang lại hiệu quả sử dụng thuốc tốt nhất, tránh được một số kết hợp thuốc nguy hiểm. Góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giảm thiểu các rủi ro trong quá trình sử dụng thuốc.
Tại Bệnh viện, sự phối hợp chặt chẽ giữa dược sĩ và bác sĩ điều trị giúp tránh được một số kết hợp thuốc nguy hiểm, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị
1. Các loại tương tác thuốc
Tương tác thuốc được phân chia thành 3 loại chính:
- Tương tác thuốc - thuốc: xảy ra khi hai hoặc nhiều thuốc phản ứng với nhau, gây ra những tác dụng không mong muốn. Chẳng hạn như sử dụng một loại thuốc có tác dụng an thần (gây buồn ngủ) chung với thuốc chống dị ứng (kháng histamin) có thể gây ra tình trạng không tỉnh táo và dễ gặp nguy hiểm khi vận hành máy móc, tàu xe.
- Tương tác thuốc - đồ ăn/thức uống: là kết quả của hiện tượng thuốc có phản ứng với những thành phần trong thực phẩm dùng cùng lúc đó (VD dùng thuốc chung với rượu hoặc đồ uống có cồn có thể làm tăng độc tính của thuốc).
Tương tác thuốc có thể làm giảm bớt tác dụng của thuốc
(Hình ảnh minh họa)
- Tương tác thuốc - tình trạng sức khỏe: đây là tình trạng mà một vấn đề sức khỏe đang có gây ảnh hưởng đến thuốc điều trị và có khả năng gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng (VD một người có huyết áp cao có thể gặp phải tác dụng không mong muốn khi dùng cùng với các thuốc trị nghẹt mũi).
2. Tương tác thuốc xảy ra với những loại thuốc nào?
Nhiều người thường cho rằng những thuốc sử dụng mà không cần kê đơn (OTC) sẽ không xuất hiện tương tác thuốc vì đó thường là những thuốc ít có tác dụng phụ và dễ sử dụng. Thế nhưng đó là một quan niệm sai lầm, tất cả các loại thuốc và cả những sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thảo dược đều có thể xảy ra tương tác khi dùng chung với nhau hay với một số thực phẩm nhất định, cũng như bị ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe tại thời điểm đó.
Một số tương tác phổ biến thường gặp trong đời sống như: Sử dụng paracetamol để hạ sốt, giảm đau chung với đồ uống có cồn gây tổn thương gan; Các thực phẩm chức năng có thành phần từ tự nhiên như nhân sâm, bạch quả, omega-3 hay thậm chí là thực phẩm như hành tây cũng từng được báo cáo rằng có thể tăng nguy cơ chảy máu sau phẫu thuật; một số loại thực phẩm như sữa, phô mai tương tác làm giảm tác dụng của thuốc kháng sinh tetracyclin.; ….
3. Những biện pháp phòng ngừa tương tác thuốc có thể xảy ra?
Tuy nhiên người bệnh đừng vì sợ tương tác thuốc có thể xảy ra mà ngại sử dụng thuốc để điều trị bệnh. Người bệnh hoàn toàn có thể học cách sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và đề phòng những rủi ro có thể xảy ra. Thực tế, chỉ có một số ít thuốc có khoảng trị liệu hẹp (nghĩa là chỉ cần thay đổi liều lượng một chút là có thể gây độc hoặc mất tác dụng) và một số tình trạng bệnh như động kinh, trầm cảm là dễ xảy ra tương tác thuốc. Còn lại hầu hết các trường tương tác thuốc thường không đe dọa đến tính mạng. Sau đây là những cách bạn có thể áp dụng để đề phòng tương tác thuốc trong điều trị:
- Thường xuyên trao đổi với bác sĩ, dược sĩ: Hãy thông báo những sản phẩm mà mình đang dùng bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, thảo dược, thực phẩm chức năng hoặc vitamin.
- Giữ lại các đơn thuốc cũ: điều này giúp bác sĩ nắm được tiền sử bệnh và những thuốc đã sử dụng, giúp hạn chế tương tác thuốc xảy ra và tạo điều kiện cho bác sĩ kê đơn hiệu quả hơn.
- Kiểm tra kỹ những loại thực phẩm có thể xảy ra tương tác với thuốc: cần lưu ý với một số thực phẩm thường gây ra tương tác với thuốc như các thực phẩm giàu vitamin K (gan bò, bông cải xanh, bắp cải, đậu nành…), nước ép cam, bưởi làm thay đổi nồng độ trong máu của một số thuốc; hay thực phẩm có calci (sữa, phô mai) có thể liên kết với một vài hoạt chất và ngăn chặn sự hấp thụ, làm giảm tác dụng của thuốc; …..
- Không tự ý sử dụng thuốc của người khác: Mỗi đơn thuốc đều được kê theo tình trạng sức khỏe riêng biệt của từng người. Vì vậy không nên sử dụng đơn thuốc của người khác cho dù cùng mắc một tình trạng bệnh.
- Tuân thủ đúng và đủ liều dùng đã được chỉ định.
- Không mua thuốc có nguồn gốc không rõ ràng.
- Tự tra cứu lại thông tin thuốc: Người bệnh có thể sử dụng những công cụ trực tuyến đáng tin cậy để tra cứu thêm thông tin về các loại thuốc đang sử dụng như Mims, Drugs, Dược thư Quốc gia Việt Nam,… Sau khi tra cứu, nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn nên thảo luận cùng bác sĩ hoặc dược sĩ để có được câu trả lời hợp lý nhất.