Trước đây, hầu hết người bệnh có chỉ định điều trị ung thư bằng hóa chất xảy ra tình trạng viêm xơ cứng mạch, vỡ mạch, hoại tử do phải điều trị dài ngày. Việc tác động trực tiếp của hóa chất lên thành mạch ngoại vi làm xơ cứng, tắc, hẹp, đặc biệt là những nơi thường xuyên đặt đường truyền như cẳng tay, cánh tay. Và đối với một số người bệnh phải tiêm truyền nhiều thuốc, dịch, thậm chí là phải truyền máu. Thì việc sử dụng đường truyền qua lấy ven là nỗi ám ảnh.
Để khắc phục tình trạng trên, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí hiện đã và đang triển khai kỹ thuật đặt buồng tiêm truyền dưới da và áp dụng rộng rãi trên nhiều người bệnh, nhất là đối với những người bệnh ung thư phải điều trị hóa chất.
Buồng tiêm dưới da là một thiết bị nhỏ được cấy dưới da người bệnh nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận với vòng tuần hoàn chung một cách thuận lợi và lặp đi lặp lại nhiều lần. Buồng tiêm bao gồm ống thông và buồng tiêm, trong đó ống thông được dặt vào tĩnh mạch lớn và buồng tiêm được cấy hoàn toàn vào mô dưới da.
Hình ảnh buồng tiêm truyền sau khi được đặt vào người bệnh
Sau khi được lắp đặt thuốc và hóa chất, dịch sẽ được truyền trực tiếp vào tĩnh mạch trung tâm bằng máy truyền tự động. Việc tiêm truyền sẽ dễ dàng và thuận lợi, không gây đau, việc chăm sóc vết kim dễ dàng, không ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của người bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm cho điều dưỡng viên.
Theo BSCKI. Nguyễn Đức Hoành - Trưởng khoa Phẫu thuật Can thiệp – Tim mạch & Lồng ngực cho biết việc đặt buồng tiêm này rất có giá trị đối với người bệnh ung thư phải hóa trị liệu, giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn nhiều trong và sau điều trị hóa trị. Cũng theo bác sĩ thời gian lưu buồng tiêm truyền dưới da từ 6 tháng đến 5 năm, tùy theo chỉ định dùng hóa chất và số lần chọc kim của người bệnh.