Siêu âm trị liệu là 1 phương pháp điều trị hiệu quả hiện đang được áp dụng tại khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Siêu âm là sóng âm thanh có tần số trên 20.000 Hz. Trong điều trị thường dùng siêu âm tần số 1 và 3 MHz với tác dụng chính là sóng cơ học, tăng nhiệt và sinh học.
Khác với ứng dụng siêu âm trong chẩn đoán có mức cường độ sóng phát ra thấp đủ để tạo hình ảnh, siêu âm trong điều trị thì cường độ siêu âm sẽ đủ lớn để gây ra các tác dụng vật lý, sinh lý trên mô cơ thể với mức đã được nghiên cứu kỹ.
Sóng siêu âm là dao động có áp lực theo chiều dọc. Chính vì thế mà siêu âm có tác dụng điều trị sâu, cục bộ.
Hình ảnh máy siêu âm trị liệu (Hình ảnh minh họa)
Tác dụng của siêu âm trị liệu:
- Tác dụng nhiệt: giúp tăng chuyển hóa, tăng tuần hoàn, giãn mạch, chống viêm mạn tính
- Tác dụng cơ học: Làm mềm cơ, làm mềm và mờ mô sẹo
- Giảm đau: do sinh nhiệt, đồng thời tác dụng lên đầu dây thần kinh cảm giác

Tác dụng của siêu âm (Hình ảnh minh họa)
Siêu âm trị liệu được chỉ định trong các trường hợp:
- Chấn thương cơ, xương, khớp
- Viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm cơ, viêm dây thần kinh
- Đau lưng, cổ vai, đau do 1 số nguyên nhân khác
- Rối loạn tuần hoàn
- Sẹo xấu, sẹo lồi, mô sẹo
- Siêu âm dẫn thuốc

Vết sẹo của người bệnh trước (hình trái) và sau (hình phải) khi điều trị siêu âm tại khoa PHCN
Siêu âm trị liệu không được chỉ định trong các trường hợp:
- Trực tiếp lên u, tinh hoàn, buồng trứng, thai nhi
- Đầu xương trẻ em, nhất là phần sụn
- Viêm tắc mạch
- Lao tiến triển
- Viêm da cấp
- Chảy máu/ đe dọa chảy máu
Điều trị siêu âm cho người bệnh tại khoa Phục hồi chức năng
Người bệnh khi đến điều trị khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí sẽ được các bác sĩ/ kỹ thuật viên thăm khám, lượng giá. Tùy theo phương thức điều trị bệnh cảnh lâm sàng, độ sâu của tổn thương, diện điều trị mà chọn liều lượng siêu âm phù hợp để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.