Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đây là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra. Vi khuẩn này có loại độc tố cực kỳ mạnh (ngoại độc tố) có khả năng gây nên các thể bệnh như: bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản do chất giả mạc che kín thanh quản làm cho bệnh nhân không có không khí để thở gây suy hô hấp cấp và có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời, vì vậy, người ta ví bệnh bạch hầu thanh quản như kiểu chết đuối trên cạn.
Nguy hiểm nhất của bệnh bạch hầu là gây các biến chứng do độc tố của vi khuẩn bạch hầu cực mạnh cho nên khi bị mắc bệnh rất dễ gây biến chứng nặng, nguy hiểm như làm tổn thương cơ tim gây suy tim cấp. Biến chứng có thể xảy ra vào thời kỳ bệnh toàn phát, thậm chí xảy ra muộn hơn sau vài ba tuần khi bệnh bạch hầu đã khỏi (hết sốt, hết giả mạc...).
Có thể bị biến chứng viêm thần kinh gây liệt khẩu cái, liệt chi, cơ hoành hoặc liệt dây thần kinh vận động mắt. Liệt cơ hoành có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp kèm theo tắc nghẽn đường thở bởi giả mạc gây ra...
Cho đến nay, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta. Tiêm vắc-xin ĐỦ MŨI và ĐÚNG LỊCH vẫn là BIỆN PHÁP TỐT NHẤT để phòng bệnh bạch hầu.
Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đã được triển khai tại nước ta từ năm 1984 trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là vắc-xin cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi với lịch tiêm 3 mũi lúc 2 tháng, 3 và 4 tháng tuổi và nhắc lúc 18 tháng tuổi.