Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí: Phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ chậu bằng đoạn mạch nhân tạo
Phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ bụng là một kỹ thuật khó và phức tạp. Đặc biệt đối với những người bệnh có tiền sử bệnh lý như tăng huyết áp, hẹp động mạch vành, động mạch cảnh… Nó tiềm ẩn nguy cơ chảy máu, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim... xảy ra trong và sau phẫu thuật. Với đội ngũ bác sĩ chuyên môn kỹ thuật cao, cùng trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã thực hiện phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ chậu bằng đoạn mạch nhân tạo cho rất nhiều trường hợp.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh
Người đàn ông 69 tuổi (An Sinh – Đông Triều) nhập viện với biểu hiện đau bụng quanh rốn, đau nhiều về đêm và sáng, đau tăng lên khi vận động. Người bệnh được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
Tại Bệnh viện sau khi tiến hành thăm khám, chụp CT-Scanner chậu 2 bên cho thấy người bệnh có khối phình động mạch đoạn ngã ba chủ chậu kích thước 3cm, phình động mạch chậu chung 2 bên (bên phải kích thước 3,5cm, bên trái là 2,8cm). Sau khi hội chẩn các bác sĩ thống nhất phương án phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ chậu bằng đoạn mạch nhân tạo.
Ca phẫu thuật được thực hiện nhanh chóng, chính xác và kết thúc sau hơn 4 giờ. Sau phẫu thuật sức khỏe người bệnh ổn định, hết đau bụng và đang được tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện.
Theo Ths. Bs. Nguyễn Quang Toản – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật can thiệp tim mạch - lồng ngực Bệnh viện cho biết: Phình động mạch đoạn ngã ba chủ chậu, phình động mạch chậu là tổn thương mạch máu thường gặp. Bệnh thường tiến triển âm thầm nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. 70-80% các trường hợp chỉ được phát hiện khi đã tiến triển ở giai đoạn nặng dọa vỡ hoặc đã vỡ.
Ban đầu người bệnh có thể xuất hiện dấu hiệu không điển hình như đau tức bụng, đau chậu… Do vậy đối với những người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch như huyết áp cao, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid... cần được khám, kiểm tra bệnh lý định kỳ.
Tổ Công tác xã hội