Sau thành công của ca lấy, ghép tạng năm 2024, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai thành công phẫu thuật lấy đa mô tạng.
Thận của người hiến tạng được vận chuyển đến Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí.
Ngày 8/4, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí phối hợp cùng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp tục thực hiện ca ghép thận đầu tiên tại bệnh viện và là ca ghép thận đầu tiên tại tỉnh Quảng Ninh.
Đúc rút kinh nghiệm sau thành công của ca hiến đa tạng đầu tiên, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã nhanh chóng xây dựng đề án thận. Gần một năm chuẩn bị kỹ lưỡng các nguồn lực, ngày 31/3, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 1073/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc công nhận Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí là đơn vị đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống và người hiến chết não.
Tối 8/4, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí và Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh phối hợp Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và gần 200 chuyên gia, y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đã thực hiện đồng thời hai ca ghép thận tại hai bệnh viện.
Đây là ca ghép thận đầu tiên tại tỉnh Quảng Ninh đánh dấu bước tiến quan trọng đối với ngành y tế, mở ra cơ hội sống mới cho nhiều bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
.jpg)
Các bác sĩ tiến hành ghép thận cho bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí.
Được biết, hai quả thận đều lấy từ một người cho chết não tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, được điều phối cho hai bệnh nhân tại Quảng Ninh. Hai quả thận được xét nghiệm đầy đủ các chỉ số tương thích giữa người cho và người nhận; đồng thời, được hội chẩn trực tuyến giữa các chuyên gia, lãnh đạo, bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí và Bệnh viện đa khoa tỉnh với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Theo đó, một quả thận được ghép cho bệnh nhân nữ, 41 tuổi, ở thị xã Quảng Yên, mắc suy thận giai đoạn cuối, chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần, có chỉ định ghép thận điều trị tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí. Và một quả thận được ghép cho bệnh nhân nam, 48 tuổi, ở thành phố Cẩm Phả, mắc suy thận giai đoạn cuối, chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần, có chỉ định ghép thận điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
.jpg)
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí tiến hành rửa thận trước khi ghép.
Tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, kíp phẫu thuật với sự tham gia của gần 40 bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí có trình độ chuyên môn sâu trong các lĩnh vực nội, ngoại thận tiết niệu, gây mê, hồi sức…, với sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế đầu ngành trong lĩnh vực ghép thận của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sau 2 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công.
Sau khi tái thông mạch, thận ghép hoạt động, nước tiểu được bài xuất ngay sau đó. Đến 6 giờ 30 phút ngày 9/4, người bệnh tỉnh, các chỉ số đánh giá chức năng thận cơ bản ổn định, bệnh viện tiếp tục tập trung cao cho công tác hồi sức và điều trị sau ghép.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Cường, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, cho biết: “Ngay sau khi triển khai thành công ca phẫu thuật lấy đa tạng từ người hiến chết não cứu sống 7 người nguy kịch vào tháng 4/2024, bệnh viện đã khẩn trương xây dựng đề án lấy và ghép thận. Sau gần một năm, bệnh viện đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống và người chết não.
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh về cơ sở vật chất, hỗ trợ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và đội ngũ nhân lực được đào tạo chuyên sâu, bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên. Từ thành công này, bệnh viện tiếp tục triển khai phẫu thuật ghép thận cho các trường hợp đủ điều kiện, mở ra cơ hội điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, giảm gánh nặng cho người bệnh và gia đình”.
Việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên tại tỉnh Quảng Ninh đã tạo tiền đề để Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí tiếp tục đặt nền móng cho việc phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu, hiện đại, khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực ghép tạng của ngành y tế tỉnh Quảng Ninh.
Được biết, ngay sau ca ghép thận thành công này, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí sẽ triển khai phẫu thuật ca ghép thận thứ hai trong tuần tới và xây dựng lộ trình phẫu thuật cho 13 trường hợp đủ điều kiện trong danh sách chờ ghép.
Trong quá trình triển khai, bệnh viện tiếp tục hợp tác với các đơn vị y tế hàng đầu trong và ngoài nước, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực chuyên sâu, hướng tới mục tiêu lấy và ghép đa tạng tại bệnh viện, từng bước giúp nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiếp cận phương pháp điều trị kỹ thuật cao, chuyên sâu và hướng tới trở thành trung tâm ghép tạng ở khu vực đông bắc.

Các bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí cùng các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức hội chẩn ca bệnh.
Việc triển khai thành công ca ghép thận này sẽ là tiền đề quan trọng để ngành y tế Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu thực hiện các ca ghép tạng khác như: tim, gan, phổi… Từ đó, người dân trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng kỹ thuật y tế chuyên sâu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, từng bước hội nhập với quốc gia và quốc tế.
Việc triển khai thành công ca ghép thận này cũng khẳng định bước tiến vượt bậc về năng lực chuyên môn, trình độ kỹ thuật và khả năng làm chủ các kỹ thuật y khoa phức tạp của đội ngũ y tế tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành y tế địa phương trong việc tiếp cận và làm chủ các kỹ thuật y khoa tiên tiến, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng điều trị bệnh, giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện khẳng định: "Thời gian tới, các bệnh viện tuyến tỉnh của Quảng Ninh sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển chuyên sâu lĩnh vực ghép tạng, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn và trang thiết bị hiện đại, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm ghép tạng uy tín trong khu vực, góp phần đưa ngành y tế Quảng Ninh tham gia sâu hơn vào mạng lưới hiến, ghép tạng quốc gia, mang thêm nhiều cơ hội sống cho người bệnh và khẳng định vị thế của y tế tỉnh trên bản đồ y khoa cả nước”.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí thăm hỏi bệnh nhân sau khi được ghép thận.
Hiện nay, ở Việt Nam đang có khoảng 100.000 người cần ghép tạng. Trong đó, tại Quảng Ninh có gần 1.000 bệnh nhân đang chạy thận, lọc máu chu kỳ, 30% bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có chỉ định ghép thận. Riêng Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí hiện quản lý và theo dõi hơn 200 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Mỗi ngày có 100 bệnh nhân chạy thận nhân tạo chia làm 3 ca.
Việc chạy thận, lọc máu chu kỳ thường xuyên gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bệnh nhân, gánh nặng về kinh tế cho người bệnh và gia đình. Vì vậy, việc triển khai kỹ thuật ghép thận sẽ mở ra cơ hội điều trị hiệu quả cho những người bệnh suy thận giai đoạn cuối, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm gánh nặng thời gian và chi phí cho người bệnh và gia đình.
Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước có cơ sở y tế tuyến tỉnh triển khai lấy tạng ngay tại đơn vị. Điều này không chỉ khẳng định quyết tâm của ngành y tế Quảng Ninh trong việc tham gia sâu vào mạng lưới hiến tạng, ghép tạng quốc gia, thực hiện trách nhiệm cao với cộng đồng, mà còn cho thấy năng lực của đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh sẵn sàng tiếp cận và triển khai các kỹ thuật cao phục vụ nhân dân ngay tại địa phương.
Nguồn: Báo nhandan.vn