Được biết ban đầu người bệnh nhập viện khoa Nội tim mạch với chỉ số huyết áp thấp và suy động mạch vành, không có biểu hiện lâm sàng bất thường. Tuy nhiên đôi lúc người bệnh có hiện tượng đau đầu, tức ngực, khó thở, yếu tay trái, mạch cánh tay trái bắt yếu, mạch quay trái khó bắt. Qua tổng hợp các kết quả xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ đã chẩn đoán người bệnh bị xơ vữa động mạch cảnh và hẹp nhiều chỗ chia động mạch dưới đòn trái- đến hơn 80%, cần được can thiệp sớm ở phần động mạch dưới đòn bị hẹp, tránh nguy cơ tắc nghẽn động mạch, gây thiếu máu nuôi dưỡng dẫn tới tắc hoàn toàn, hoại tử chi. Do những nguy cơ này, người bệnh đã được chuyển đến điều trị tại khoa Phẫu thuật can thiệp tim mạch và lồng ngực.
Kỹ thuật nong và đặt stent động mạch được phẫu thuật viên thực hiện bằng cách đưa một stent bóng vào lòng động mạch, phần bóng được bơm căng giúp mở rộng lòng động mạch tại phần bị tắc, làm lưu thông mạch máu, tiếp theo, stent sẽ bung ra, nằm lại lòng mạch có tác dụng như một giá đỡ làm cho lòng mạch không bị tái co hẹp, giúp mạch máu lưu thông thông suốt. Chụp nong và đặt stent động mạch dưới máy chụp mạch số hoá xoá nền (DSA) là một kỹ thuật hiện đại, tiên tiến được sử dụng để điều trị bệnh lý hẹp tắc mạch- nguyên nhân chủ yếu gây các biến chứng về đột quỵ, thiếu máu cơ tim, tê liệt các chi...Nhờ hình ảnh chính xác về quá trình lưu thông máu thu được từ máy, ngoài việc theo dõi được diễn biến các mạch máu trong quá trình can thiệp mạch, các bác sĩ còn có thể phát hiện sớm tình trạng bất thường của mạch máu như mạch bị co hẹp, tắc nghẽn, phình mạch. Do đó ở một số quốc gia, kỹ thuật DSA được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán hình ảnh động mạch, góp phần cải thiện việc điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch, mạch máu đang ngày một gia tăng như hiện nay.
Trở lại với trường hợp người bệnh Phan Hữu Nghi, sau hơn 90 phút thực hiện, các bác sĩ đã nong và đặt stent động mạch dưới đòn trái cho người bệnh thành công. Người bệnh sẽ được xuất viện trong khoảng 1- 3 ngày sau can thiệp.