Bệnh nhi T.Q.T. 9 tuổi (trú tại Uông Bí) có triệu chứng sốt cao 39,5 độ C, đau đầu, đau sưng 2 góc hàm. Tuy nhiên gia đình không đưa trẻ đến cơ sở y tế khám mà tự điều trị tại nhà bằng cao dán. Chỉ đến khi bệnh nhi có biểu hiện đau đầu nhiều, gia đình mới đưa trẻ đến Bệnh viện.
Trẻ nhập viện với miếng cao dán tại vùng da góc hàm
Tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, trẻ được chẩn đoán viêm màng não. Hiện trẻ đang được theo dõi và điều trị theo phác đồ.
Theo bác sĩ Bệnh viện cho biết: Bệnh quai bị lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với nước bọt, hoặc chất tiết mũi họng của người bệnh văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi. Người mắc quai bị có khả năng lây truyền virus 3 ngày trước khi có biểu hiện lâm sàng (trước khi sưng tuyến nước bọt) cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh là 1-2 tuần. Các biến chứng của bệnh quai bị thường gặp là viêm tinh hoàn ở nam giới sau tuổi dậy thì, viêm tuỵ cấp, viêm buồng trứng (nữ giới sau tuổi dậy thì), nặng hơn có thể gây viêm não - màng não…
Dấu hiệu đặc trưng nhận biết quai bị là mệt mỏi, đau đầu, nhức tai, cảm giác sợ gió; một bên má sưng lên rồi dần lây lan qua bên còn lại; vùng bị sưng nhưng không có hiện tượng tấy đỏ, đau nhưng không tạo mủ; sốt cao, sốt 39-40 độ C trong khoảng 3-4 ngày.
Để bảo vệ gia đình, các chuyên gia khuyến cáo người dân khi xuất hiện các triệu chứng khó chịu, sốt cao, đau họng, đau ở góc hàm, tuyến mang tai sưng… cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng có thể sẽ xảy ra.
Tổ Công tác xã hội