Theo các bác sĩ khoa Chấn thương – Chỉnh hình & Bỏng - Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, trong những ngày cận Tết Nguyên Đán số ca phải nhập viện điều trị do chấn thương tăng cao. Trong số đó có tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, và đáng lưu ý là có tai nạn do điện giật.
Tết đến mọi người có thói quen dọn dẹp nhà cửa, chào đón năm mới. Nhưng do sơ suất và không chú ý mà nhiều người bị điện giật do không đảm bảo an toàn khi sử dụng điện. Khi bị điện giật người bị nạn có thể bị bỏng trên da hoặc tổn thương các mô sâu hơn tại vị trí dòng điện thâm nhập gây ra co giật, co cơ, hội chứng khoang, tiêu cơ vân... Bên cạnh đó nếu khi bị điện giật khi đang trèo cao dẫn đến ngã có thể gây chấn thương cột sống, chấn thương nội tạng, tổn thương não, tủy sống và thần kinh ngoại biên. Đặc biệt, nghiêm trọng nhất là ngừng thở, ngừng tim dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Hình ảnh minh họa
Như trường hợp của người bệnh L.V.Đ. 25 tuổi nhập viện do bỏng độ IV cẳng bàn tay và cổ bàn chân hai bên do bỏng điện. Vết bỏng sâu và chảy nhiều dịch. Theo bác sĩ cho biết: đối với chấn thương của người bệnh thời gian điều trị sẽ rất lâu dài, chưa kể đến biến chứng co cứng cơ là điều khó tránh khỏi. Điều đó có thể khiến người bệnh phải chịu khuyết tật suốt đời trong khi tuổi đời của người bệnh còn rất trẻ.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức thận trọng trong quá trình sử dụng điện, cần giữ khoảng cách an toàn và sử dụng bảo hộ cần thiết. Khi phát hiện người bị điện giật cần nhanh chóng tìm cách đưa người bị nạn ra khỏi nguồn điện bằng cách ngắt thiết bị đóng cắt điện, cầu dao, rút phích cắm, cầu chì… Mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức cơ bản về an toàn trong sử dụng và phòng tránh tai nạn do điện gây ra.