Hội chứng đau cổ vai cánh tay là bệnh lý rễ tủy cổ hay còn được gọi là đau cổ vai gáy cánh tay, có các triệu chứng lâm sàng liên quan đến các bệnh lý cột sống cổ, các rối loạn chức năng rễ, dây thần kinh cột sống. Hội chứng cổ vai tay là một hội chứng thường gặp trên lâm sàng. Đối tượng chủ yếu thường mắc hội chứng đau cổ vai tay là những người làm việc văn phòng, lái xe, lao động nặng, người bị các bệnh liên quan đến đốt sống cổ hoặc nhóm người bị dị tật bẩm sinh vùng cổ.
Do dây thần kinh bị chèn ép nên người bệnh mắc hội chứng cổ vai tay dễ rối loạn cảm giác, vận động
(Hình ảnh minh họa)
1. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng cổ vai tay
- Thoái hóa cột sống cổ(đây lànguyên nhân chủ yếu)
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
- Chấn thương
- Dị tật bẩm sinh(cong vẹo cột sống, sai tư thế…)
2. Dấu hiệu nhận biết hội chứng cổ vai tay
Do vị trí rễ thần kinh bị tổn thương ở mỗi người khác nhau nên dấu hiệu bệnh cũng khác nhau. Ngoài ra, biểu hiện bệnh còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương, nguyên nhân gây bệnh, giai đoạn bệnh.
Dấu hiệu thường gặp nhất do hội chứng này gây ra gồm:
- Hội chứng cổ vai tay biểu hiện ở vùng cổ gáy
+ Vùng cổ gáy sẽ có hiện tượng đau, cơn đau xuất hiện âm ỉ, từ từ và mạnh dần lên theo thời gian, ấn có điểm đau, thậm chí tê bì vùng cổ vai gáy.
+ Đau đớn đi kèm với việc rễ thần kinh bị tổn thương khiến người bệnh gặp khó khăn khi vận động cột sống cổ. Người bệnh có thể có dấu hiệu vẹo cổ (tuy nghiêm trọng nhưng ít khi gặp).
+ Cơ cổ vai gáy co cứng.
- Hội chứng rễ thần kinh
Hội chứng cổ vai tay với nhóm bệnh này có dấu hiệu vùng gáy bị đau, sau đó lan xuống vai. Tác động trực tiếp vào cánh tay bàn tay hoặc lan lên vùng chẩm. Người bệnh sẽ cảm nhận được cơn đau mạnh hơn nếu cố gắng xoay đầu hoặc gập cổ.
Do dây thần kinh bị chèn ép nên người bệnh dễ rối loạn cảm giác, vận động. Một số biểu hiện thường thấy là cảm giác tê bì, dễ nhức mỏi, rát bỏng thường xuyên ở vùng tay.
- Hội chứng cổ vai cánh tay thể hiện ở vùng tủy cổ
Hội chứng này bắt nguồn từ tình trạng lồi hoặc thoát vị đĩa đệm. Người bệnh sẽ thấy tê bì, mất cảm giác và khả năng điều khiển vận động tay. Nếu bệnh nặng nặng hơn, người bệnh có thể bị liệt tứ chi, liệt hai tay, liệt hai chân, rối loạn đại tiểu tiện…
- Hội chứng động mạch sống – nền
Dấu hiệu nhận biết là cảm giác ù tai, mờ mắt, đau đầu vùng chẩm, mất thăng bằng, chóng mặt, giảm thị lực… Triệu chứng này rất hay nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên người bệnh cần lưu ý phân biệt.
- Một số dấu hiệu khác
Người bệnh mắc hội chứng cổ vai tay có thể gặp một số dấu hiệu khác tùy vào tình trạng tổn thương như:
+ Rối loạn thần kinh thực vật: rối loạn vận mạch vùng chẩm vai hoặc vùng tay, ù tai, cơn đau kéo dài, rối loạn thị lực.
+ Dấu hiệu toàn thân: Người bệnh bị sốt, rét run, sụt cân, vã mồ hôi về ban đêm… Các triệu chứng này cần lưu ý vì rất dễ nhầm lẫn với nhiễm trùng.
3. Biến chứng khi bị hội chứng cổ vai tay
Những triệu chứng tê bì, đau nhức hoặc hạn chế vận động ở cổ, tay không chỉ đem lại cảm giác khó chịu cho người bệnh mà còn ảnh hưởng lớn tới công việc hàng ngày. Từ đó, chất lượng cuộc sống bị suy giảm, tác động lớn tới tinh thần người bệnh.
Hội chứng cổ vai tay lâu ngày nếu không được phát hiện, điều trị tận gốc có thể để lại hàng loạt biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
- Liệt vĩnh viễn
- Ống sống cổ bị hẹp
- Thiếu máu não, dễ xuất hiện đột quỵ, nguy cơ gây tử vong cao
- Hội chứng chèn ép tủy dễ để lại di chứng tàn tật suốt đời
Do đó, nếu phát hiện các bất thường ở cơ thể, người bệnh nên đến Bệnh viện càng sớm càng tốt để điều trị kịp thời. Việc này giúp quá trình điều trị bệnh thuận lợi, góp phần hạn chế biến chứng xảy ra.
4. Phục hồi chức năng hội chứng cổ vai tay
Ngoài các phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc, điều trị ngoại khoa, còn có thể kết hợp các phương pháp phục hồi chức năng để đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Các phương pháp thường được sử dụng tại khoa Phục hồi chức năng để điều trị hội chứng cổ vai tay:
- Giai đoạn cấp tính:
+ Chú ý tư thế tốt cho cột sống cổ
+ Nhiệt nóng như: Parafin, hồng ngoại
+ Điện xung
+ Vận động thụ động cột sống cổ, vận động các chi
Điều trị bằng parafin cho người bệnh mắc hội chứng cổ vai tay tại khoa Phục hồi chức năng
- Giai đoạn bán cấp và mạn tính:
+ Chú ý tư thế tốt cho cột sống cổ
+ Nhiệt nóng như parafin, hồng ngoại
+ Điện xung
+ Tác động cơ giúp làm mềm cơ (xoa bóp trị liệu)
+ Kéo giãn cột sống cổ
+ Vận động chủ động cột sống cổ, vận động các chi
5. Cách phòng bệnh hiệu quả
Để phòng bệnh và hạn chế cơn đau xuất hiện, nên thực hiện tốt những việc sau:
- Duy trì tư thế đúng ở vùng đầu, cổ, vai, gáy. Không nên ngồi máy tính, ngồi làm việc trong thời gian dài. Tránh lắc đầu, gập cổ, xoay cổ quá mức.
- Thực hiện các bài tập nhẹ khi ngồi làm việc, giữ cổ ngay ngắn.
- Quan tâm, nghiêm chỉnh thực hiện chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Nên bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng.
- Hàng ngày nên thực hiện nhẹ nhàng các bài tập vận động cột sống cổ. Duy trì thói quen tốt này sẽ làm tăng cường sức cơ ở vùng vai, ngực, cổ.
Hội chứng này tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu như không được điều trị sớm. Vì vậy, người bệnh nghi ngờ mắc hội chứng cổ vai tay có thể đến trực tiếp khoa Phục hồi chức năng để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời:
Khoa Phục hồi chức năng, Tầng 1 tòa nhà DIII, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, đường Tuệ Tĩnh, phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Khoa Phục hồi chức năng