Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây nên, chủ yếu lây qua tiếp xúc với các giọt bắn có chứa virus gây bệnh trong không khí hoặc tiếp xúc với mụn nước, vật dụng cá nhân, quần áo, ga trải giường có dính chất dịch ban ngứa. Nguy cơ bị thủy đậu sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh lên đến 90% đối với người chưa từng bị thủy đậu và chưa được tiêm vacxin phòng ngừa bệnh này.
Theo BSCKII. Vương Thị Hào - Trưởng khoa Nhi cho biết: Thủy đậu thường xảy ra ở trẻ em, với triệu chứng sốt và phát ban dạng phỏng nước. Bệnh thường diễn biến lành tính, tuy nhiên nếu thủy đậu không được phát hiện sớm, trẻ không được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh có thể tiến triển nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ như:
- Viêm da bội nhiễm: thường do vệ sinh không tốt, nặng hơn, vi trùng có thể xâm nhập từ da vào máu gây nhiễm trùng huyết.
- Một số biến chứng nguy hiểm, có thể để lại nhiều di chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm gan, viêm giác mạc, viêm khớp, viêm cầu thận...
Khi trẻ bị thủy đậu, cha mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách để đạt hiệu quả và phòng tránh các biến chứng nguy hiểm. Một số biện pháp có thể thực hiện như sau:
- Cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Cho trẻ nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời. Thời gian cách ly là khoảng 7 - 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn.
- Trường hợp bất kỳ ai tiếp xúc với trẻ bị thủy đậu đều phải đeo khẩu trang, cần vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch. Nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ.
- Nên cho trẻ sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa.Cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu, bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, uống nhiều nước.
- Vệ sinh vùng mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
- Lưu ý để nốt phỏng tự vỡ, tránh làm vỡ các nốt phỏng vì sẽ để lại sẹo và dễ bị bội nhiễm vi khuẩn.
Nếu trẻ sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ sốt không hạ, khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc nốt phỏng nước bội nhiễm nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Tổ Công tác xã hội