Nhiều đứa trẻ khi chào đời đã bị ngạt, mắc một số bệnh bẩm sinh hoặc sinh non; sự sống của các cháu rất mong manh. Bằng sự tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm, những năm qua, cán bộ nhân viên Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã cứu sống rất nhiều trẻ như thế, góp phần mang lại niềm hạnh phúc cho hàng ngàn gia đình.
Chị Phạm Thị Ngoãn (thôn Tân Hoà, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà), khi thai mới 25 tuần tuổi phải vào Bệnh viện huyện Đầm Hà điều trị do tăng huyết áp, ngộ độc thai nghén. Sau 1 tuần, chị được chuyển lên Bệnh viện Bãi Cháy. Tuy nhiên, nằm điều trị ở đây được 2 tuần, huyết áp ổn định thì chị lại có dấu hiệu chuyển dạ. Do thai non nên chị được chuyển lên Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Ngày 28-12-2013, chị sinh con. Do non tháng, đứa bé ra đời chỉ được 1kg, rất yếu và được chuyển vào điều trị tại Khoa Sơ sinh. Tại đây, cháu được bơm thuốc Surfactant (thuốc dự phòng điều trị hội chứng phổi non và bệnh màng trong); được nằm lồng ấp, truyền chất dinh dưỡng qua tĩnh mạch… Sau 42 ngày, cháu được ra khỏi lồng ấp và điều trị bằng phương pháp Kanguru (mẹ ấp bé). Lúc này cân nặng của cháu được gần 1,6kg, đã tự bú mẹ, có thể ra viện, song gia đình xin ở lại để qua đợt lạnh. Chị Ngoãn tâm sự: “Sự sống của con gái là điều kỳ diệu, là niềm hạnh phúc lớn đối với gia đình. Tôi cảm ơn các thầy thuốc của Khoa rất nhiều”. Còn với chị Lữ Thị Thanh (thôn Bản, xã Liên Hoà, TX Quảng Yên), khi mới sinh, con trai chị chỉ được 1,8kg nên phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Chị cho biết: “Tôi rất cảm động bởi các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa luôn tận tâm với từng đứa trẻ nằm điều trị tại đây. Dù bệnh nhân đông, chăm sóc trẻ vất vả, song các anh, các chị bám sát từng đứa, biết từng thay đổi dù rất nhỏ để điều trị hiệu quả”.
 |
Chiếu đèn điều trị vàng da cho trẻ tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. |
Trước đây, Khoa Sơ sinh là một bộ phận của Khoa Nhi Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Năm 2007, Khoa Nhi tách thành lập Khoa Nhi, Khoa Sơ sinh và tiết niệu. Trước lượng bệnh nhi sơ sinh trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận ngày càng nhiều, trong khi Bệnh viện Nhi T.Ư luôn trong tình trạng quá tải, trẻ sinh non khi phải chuyển lên Hà Nội để điều trị cơ hội sống sót ít; bởi vậy, năm 2012, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí quyết tâm tách lập riêng Khoa Sơ sinh, mặc dù ở Khoa này, Bệnh viện luôn phải bù lỗ. Trang thiết bị của Khoa được Bệnh viện đầu tư khá đầy đủ, như: Máy thở lồng ấp, giường cấp cứu, máy truyền dịch các loại, bơm tiêm… Do bệnh nhân ở Khoa là trẻ sinh non, sinh ngạt, bệnh bẩm sinh…, nên cán bộ, nhân viên làm việc ở Khoa đòi hỏi tay nghề phải rất vững (chỉ cần nhìn đứa trẻ phải biết đang trong tình trạng nào; việc lấy tĩnh mạch truyền dinh dưỡng cho trẻ sinh non, trẻ sơ sinh rất khó). Bởi vậy, việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ nhân viên luôn được Khoa chú trọng. Bác sĩ Vũ Văn Soát, Trưởng Khoa Sơ sinh, cho biết: “Khoa thường xuyên cử cán bộ, nhân viên đi học chuyên sâu theo hình thức cầm tay chỉ việc tại Bệnh viện Nhi T.Ư; tham gia các hội thảo, tập huấn do Bộ Y tế tổ chức. Bên cạnh đó, các bác sĩ có kinh nghiệm của Khoa thường xuyên truyền đạt kiến thức, tay nghề cho đội ngũ trẻ…”. Năm 2007, Khoa chỉ có 1 bác sĩ sau đại học, đến nay có 3/tổng số 6 bác sĩ của Khoa. Khoa còn có 2 hộ lý và 15 điều dưỡng. Hiện Khoa đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao trong việc điều trị sơ sinh, như: Hồi sức hô hấp, trong đó có sử dụng thuốc Surfactant; kỹ thuật nuôi dưỡng những đứa trẻ đẻ cực non; kỹ thuật đặt ống thở, máy thở cho trẻ sơ sinh… Nhờ đó, mỗi năm, Khoa đã cứu sống hơn nghìn đứa trẻ. Cụ thể: Năm 2012, Khoa đã hồi sức cấp cứu cho 1.420/tổng số 1.570 bệnh nhân điều trị; năm 2013 điều trị cho 1.444 bệnh nhân. Trường hợp sinh non nhất mà Khoa cấp cứu thành công là thai 27 tuần, nặng 0,9kg, thời gian nuôi dưỡng gần 90 ngày.
Điều còn làm bác sĩ Vũ Văn Soát, Trưởng Khoa Sơ sinh của Bệnh viện trăn trở là về cơ sở hạ tầng nơi đây. Đối với Khoa Sơ sinh đòi hỏi phải có sự cách ly đặc biệt để chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, do điều kiện chật hẹp nên dẫu có cách ly, vẫn chưa được đảm bảo. Chi phí cho 1 trẻ sơ sinh điều trị trong 1 ngày rất lớn, Bệnh viện phải bù lỗ gấp đôi chi phí được bảo hiểm thanh toán. Các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa vất vả vì phải bám sát trẻ hàng phút. Mỗi người phải điều trị cùng lúc cho 5-7 đứa trẻ, chưa kể cho ăn, thay tã, tắm rửa…, song chế độ chỉ như nhân viên y tế các khoa khác. Nếu những khó khăn này được quan tâm giải quyết sẽ là nguồn động viên lớn, là điều kiện để đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của mình.
- Nguồn: báo quảng ninh (http://baoquangninh.com.vn) -