Chỉ trong vòng 2 tuần, bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận 2 trường hợp người bệnh nhập viện do bị rắn hổ mang cắn. Một trường hợp là bệnh nhi 12 tuổi, một trường hợp nam người bệnh 68 tuổi.
Hình minh họa
Sau khi được phát hiện bị rắn cắn, người bệnh đã được người thân đưa đến bệnh viện và được điều trị theo phác đồ chống độc đặc hiệu bằng huyết thanh kháng nọc kết hợp với kháng viêm, giảm đau, kháng sinh dự phòng nhiễm trùng, truyền dịch,… Hiện tại sức khỏe 2 người bệnh ổn định.
Rắn hổ mang là loài rắn cực độc, có khả năng gây tổn thương nghiêm trọng và đe dọa tính mạng con người. Khi bị cắn, người bệnh thường cảm thấy đau rát dữ dội tại vết thương, kèm theo sưng tấy, bầm tím, chảy máu. Nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời, nọc độc có thể lan rộng, gây nhiễm trùng, hoại tử mô, suy hô hấp và thậm chí dẫn đến tử vong.
BSCKI. Phạm Thanh Tùng – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nội, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí khuyến cáo: Trong trường hợp bị rắn độc cắn, người bệnh cần giữ bình tĩnh, hạn chế vận động để làm chậm quá trình lan truyền của nọc độc qua hệ tuần hoàn. Tuyệt đối không nên chích rạch, nặn máu hay sử dụng các loại thuốc lá, bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng, vì điều này có thể làm tổn thương nặng hơn và gây biến chứng nguy hiểm.
Điều quan trọng nhất là đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được xử trí đúng chuyên môn. Việc sử dụng huyết thanh kháng nọc đặc hiệu là phương pháp điều trị tối ưu hiện nay, giúp làm giảm đáng kể biến chứng, rút ngắn thời gian hồi phục và cứu sống người bệnh một cách hiệu quả.