Vào mùa lạnh, khi nhiệt độ xuống thấp là thời điểm 1 số loại virus, vi khuẩn phát triển mạnh và dị ứng thời tiết làm cho một số bệnh về đường hô hấp có diễn biến phức tạp. Một số trường hợp bệnh lý sẽ được chỉ định vỗ, rung lồng ngực.
Vỗ, rung lồng ngực là kỹ thuật thuộc nhóm kỹ thuật làm sạch phổi, có tính chất cơ học làm long dịch tiết, long đờm, sau đó dẫn ra các phế quản rộng hơn để thoát ra ngoài nhờ phản xạ ho và khạc, hoặc dùng máy hút nếu người bệnh không tự ho được. Song song với việc điều trị nội khoa, người bệnh có các bệnh như ứ đọng dịch, tăng tiết đờm dịch trong đường hô hấp cần được kết hợp cùng kỹ thuật này để tăng hiệu quả, làm rút ngắn thời gian điều trị.
Kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực được tiến hành xen kẽ trong thời gian dẫn lưu tư thế và kết hợp tập thở và ho.
Hình ảnh minh họa
1. Chỉ định
- Người bệnh giãn phế quản, bệnh xơ nang, các bệnh tăng bài tiết đờm dãi, viêm phổi, xẹp phổi do ứ đọng, COPD, viêm phế quản, hen phế quản…
- Người bệnh nằm một chỗ lâu ngày do bất động
- Các bệnh tắc nghẽn dịch trong khi hôn mê
- Một số trường hợp sau phẫu thuật
2. Chống chỉ định
- Chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu
- Chấn thương lồng ngực chưa xử trí hoặc mới phẫu thuật
- Loãng xương nặng
- Người bệnh suy kiệt nặng
- Người bệnh đặt stent mạch vành, đặt máy tạo nhịp
3. Kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực
- Người bệnh khi có chỉ định thực hiện vỗ, rung lồng ngực sẽ được kiểm tra mạch, huyết áp, nhịp thở, kiểu thở, chụp X-quang.
- Người bệnh được nới rộng quần áo, không ăn no, được giải thích về kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực.
- Thực hiện kỹ thuật vỗ lồng ngực
+ Bằng áp lực của lòng bàn tay do chụm khép các ngón tay lại, tiến hành vỗ để tạo ra một đệm không khí giữa lòng bàn tay và thành ngực của người bệnh.
+ Vỗ nhịp nhàng, đều đặn, di chuyển đều trên thành ngực người bệnh
+ Thời gian vỗ kéo dài từ 3 – 5 phút
- Kỹ thuật rung lồng ngực
+ Rung là kỹ thuật làm bằng việc căng các cơ vùng vai đến hai bàn tay của nhân viên y tế.
+ Rung bằng hai bàn tay chồng lên nhau hoặc hai bàn tay rung ở hai vị trí khác nhau trên thành ngực người bệnh.
+ Rung chỉ làm ở cuối thì hít vào và kéo dài cho đến khi kết thúc thì thở ra.
+ Rung kết hợp trong dẫn lưu tư thế, người bệnh phải hít vào thật sâu, thở ra mạnh và dài. Rung kết hợp với việc ho khạc để tống dịch ra ngoài.
- Theo dõi tình trạng người bệnh
+ Tình trạng người bệnh, sắc mặt, mạch, nhịp thở, nồng độ O2 và CO2
+ Theo dõi giãn nở lồng ngực và cơ hoành
+ Theo dõi ho, khạc đờm và dịch tiết ra (số lượng, màu sắc, độ quánh…)
+ Theo dõi vùng da ở gần các xương
Người bệnh có nhu cầu tư vấn và điều trị bằng kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực trong phục hồi chức năng vui lòng liên hệ: Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, tầng 1 tòa nhà DIII, số điện thoại: 0203.6273642
CN. Trần Khánh Linh - Khoa Phục hồi chức năng
***Tài liệu tham khảo: “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành PHCN” - Bộ y tế