Nếu mẹ bầu đã từng nghe qua dây rốn thắt nút và các hậu quả của tình trạng này gây ra. Chắc hẳn mẹ bầu sẽ lo lắng và tìm kiếm nhiều thông tin liên quan. Vậy dây rốn thắt nút là gì? Làm sao để nhận biết tình trạng dây rốn thắt nút? Mẹ bầu hãy lắng nghe chia sẻ từ các bác sĩ Sản khoa, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
Dây rốn là dây nối từ phôi thai hoặc bào thai đang phát triển tới nhau thai, cho phép máu mang oxy và chất dinh dưỡng đến cho bé trong tử cung của mẹ bầu, đảm bảo sự phát triển của thai nhi.
Dây rốn thắt nút là hiện tượng dây rốn tự tạo thành nút thắt trong quá trình thai xoay chuyển vận động trong buồng ối. Các yếu tố có thể làm tăng khả năng thắt nút của dây rốn như dây rốn quá dài, thai nhi có kích thước nhỏ, đa ối, thai nhi là bé trai, thai hoạt động nhiều, đa thai, mẹ tiểu đường thai kỳ, mẹ trải qua nhiều lần sinh nở, có sử dụng chất kích thích, do xoay chuyển của thai hay trong quá trình di chuyển làm cản trở máu và oxy đến thai nhi, gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên mẹ bầu có thể an tâm vì tỷ lệ nút thắt dây rốn là rất thấp chỉ 0,3-2%.

Một trường hợp nút thắt dây rốn được các bác sĩ Bệnh viện phát hiện và phẫu thuật kịp thời

Một trường hợp nút thắt dây rốn được các bác sĩ Bệnh viện phát hiện và phẫu thuật kịp thời
Bác sĩ cũng lưu ý các mẹ bầu: Việc xác định thời điểm hình thành dây rốn thắt nút là rất khó. Việc chẩn đoán dây rốn thắt nút chủ yếu dựa vào siêu âm thai nhi Doppler màu và siêu âm 4D. Hiện nay, không có biện pháp phòng ngừa dây rốn thắt nút vì vậy các bà mẹ mang thai nên: khám thai định kỳ ít nhất ba lần trong quá trình mang thai, tầm soát trước sinh và siêu âm đánh giá tình trạng thai, rau, dây rốn trong suốt thời kỳ mang thai ở cơ sở y tế tin cậy mới giúp phát hiện sớm và ngăn ngừa biến chứng trước, trong và sau sinh.
Qua đây, các bác sĩ cũng khuyến cáo, các mẹ bầu cần theo dõi cử động của thai nhi bằng monitor thường quy từ 36 tuần tại các cơ sở y tế uy tín để sớm phát hiện trường hợp suy thai để đưa ra hướng xử trí kịp thời, giúp em bé sinh ra khỏe mạnh.
Tổ Công tác xã hội