Người bệnh là Tạ Thị Nh. 52 tuổi trú tại Yên Thọ - Đông Triều trước đó khoảng 1 tháng có bị thanh gỗ rơi vào bàn chân gây chảy máu, sưng và trầy xước da. Nghĩ vết thương không nghiêm trọng, người bệnh không đi khám hay điều trị gì mà chỉ ở nhà tự rửa vết thương và có mua thuốc nam về đắp.
Chỉ đến khi bàn chân có hiện tượng đau nhức nhiều, 1 ngón chân có hiện tượng thâm đen, chảy dịch người bệnh mới vội vàng tới viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để kiểm tra.
Người bệnh nhập viện với tổn thương rất nghiêm trọng: ngón 1 bàn chân trái hoại tử thâm đen, teo nhỏ, mu bàn chân có diện tích khuyết da kích thước 4x5cm đang có hiện tượng nhiễm trùng. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật tháo bỏ ngón 1 bàn chân trái, sửa mỏm cụt, làm sạch tổ chức viêm mủ.
Hình ảnh bàn chân phải của người bệnh trước (hình trái) và sau (hình phải) phẫu thuật
Theo BSCKI. Vũ Văn Hướng, Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình & Bỏng cho biết đối với tổn thương của người bệnh nếu nhập viện và điều trị sớm thì tổn thương này tương đối đơn giản và có thể bảo tồn ngón chân nhưng do người bệnh tự ý điều trị tại nhà khiến tình trạng không được cải thiện mà còn trở nên nghiêm trọng hơn. Ngón chân 1 hoại tử teo nhỏ, vị trí gốc ngón chân chảy dịch nhiều và có mùi hôi thối bắt buộc phải cắt bỏ. Nếu không tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn có thể lan sang các ngón chân khác, thậm chí có thể gây nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Cũng theo các bác sĩ, trước đó Bệnh viện cũng tiếp nhận rất nhiều người bệnh nhập viện do các biến chứng nguy hiểm từ việc tự đắp thuốc nam tại nhà để điều trị bỏng, gãy xương, hay các vết thương ngoài da… Những phương thuốc nam chưa được khoa học kiểm chứng về tác dụng cũng như không đảm bảo về mặt vệ sinh tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Không những không cải thiện tình trạng bệnh, trái lại còn khiến tổn thương nghiêm trọng hơn. Vì vậy người dân không nên tự ý sử dụng thuốc nam để chữa bệnh, đặc biệt là đối với các vết thương hở để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.