Tiết canh là món ăn tươi sống sử dụng nguyên liệu là tiết của các loài động vật. Vì là tiết sống nên trong quá trình chế biến không diệt được vi khuẩn hay kí sinh trùng, người ăn rất dễ nhiễm giun sán, nguy hiểm hơn là liên cầu khuẩn lợn.
Ăn tiết canh sống là một trong những nguyên nhân gây nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Liên cầu khuẩn lợn có tên khoa học là Streptococus Suis, là một tác nhân gây bệnh quan trọng ở lợn và đôi khi có thể gây bệnh lên người. Loài vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn, ngoài ra nó cũng tồn tại ở một số động vật khác như bò, dê, cừu, thậm chí là chó, mèo... Loài vi khuẩn này không chỉ có ở lợn bị bệnh mà ngay cả con vật khỏe mạnh cũng có thể chứa liên cầu khuẩn lợn.
Liên cầu khuẩn lợn có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như xuất huyết, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc, viêm khớp… Trong đó viêm màng não do liên cầu lợn là tình trạng đặc biệt nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của ngươi bệnh.
Trong tháng 02/2022 Khoa Bệnh Nhiệt Đới – Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí có tiếp nhận trường hợp người bệnh T.V.Q. vào khoa trong tình trạng lơ mơ, kích thích, không tiếp xúc được. Người bệnh có tiền sử nghiện rượu, ăn tiết canh dê 1 tuần trước ngày vào viện. Bác sĩ đã tiến hành chọc dịch não tủy, cấy máu làm chẩn đoán xác định người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Streptococus Suis (Liên cầu lợn). Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo một số thông tin tới người dân như sau:
- Biểu hiện của bệnh Viêm màng não do liên cầu Lợn:
+ Sốt cao
+ Hội chứng màng não: Đau đầu, nôn, dấu hiệu kích thích màng não (cứng gáy..)
+ Chậm chạp, lũ lẫn, hôn mê hoặc kích động, co giật
+ Đôi khi có xuất huyết dưới da và ban xuất huyết hoại tử
+ 30-60% bệnh nhân bị suy giảm thính lực (từ ù tai đến điếc hoàn toàn)
Ban xuất huyết hoại tử dưới da ở người bệnh mắc liên cầu khuẩn lợn
- Người dân khi có các yếu tố dịch tễ:
+ Tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh, lợn chết,hoặc lợn không rõ nguồn gốc trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến thịt sống, đặc biệt là khi có các vết thương trên da tay, chân…
+ Ăn thịt lợn bệnh, lợn chết, ăn các món ăn chưa được nấu chín (như tiết canh, thịt…)
Kèm theo một trong số các biểu hiện trên phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị càng sớm càng tốt phòng các biến chứng có thể xảy ra, có thể nguy hiểm đến tính mạng ngươi bệnh.
- Để phòng bệnh liên cầu lợn, người dân cần chú ý:
+ Tiêm phòng cho lợn chăn nuôi
+ Phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc với lợn, thịt lợn, dịch tiết của lợn
+ Sau khi tham gia giết mổ lợn phải rửa sạch chân tay bằng các loại dung dịch sát khuẩn
+ Không ăn tiết canh và các món ăn chế biến sống hoặc chưa chín
+ Không giết mổ và chế biến lợn bị bệnh