Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, đã có rất nhiều trường hợp người bệnh phải nhập viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cấp cứu trong tình trạng chấn thương, đa chấn thương. Nguyên nhân là do trong quá trình khắc phục hậu quả trong và sau bão đã vô tình gặp phải chấn thương.
Theo thống kê, tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 300 trường hợp người bệnh bị chấn thương, đa chấn thương, từ nhẹ đến nặng như vết thương phần mềm, đứt gân, cơ… đến các chấn thương nặng như chấn thương cột sống, sọ não…
Như trường hợp của người bệnh L.K.M. 57 tuổi (Thanh Sơn – Uông Bí) bị đa chấn thương nặng: gãy đốt sống ngực D8, D10, D12, liệt tủy hoàn toàn, chảy máu khoang dưới nhện, gãy nhiều xương sườn, tràn khí màng phổi.
Tổn thương cột sống thắt lưng của người bệnh T. trên phim chụp CT.Scanner (vùng khoanh tròn màu đỏ)
Hay như trường hợp người bệnh T. T.H. 21 tuổi (Phương Đông – Uông Bí) nhập viện trong tình trạng đau nhiều vùng cột sống thắt lưng, vận động hạn chế, đau khi thay đổi tư thế… Người bệnh được chẩn đoán vỡ xẹp thân cột sống thắt lưng đoạn L1 mất vững và đã được phẫu thuật nẹp vít cột sống. Theo lời kể của người bệnh, sau bão, người bệnh bị tai nạn do ngã từ trên cao khoảng 3m xuống nền đất cứng khi đang gia cố mái tôn của gia đình.
Hoặc 1 trường hợp chấn thương thanh khí quản, thanh quản nghiêm trọng nguyên nhân là do trong quá trình di chuyển trên đường, người bệnh không để ý bị mắc vào dây điện đứt nằm lửng lơ trên đường và hậu quả là bị dây điện cứa vào vùng cổ. Người bệnh được khâu xử trí vết thương tại bệnh viện tuyến dưới sau đó được chuyển đến viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí. Người bệnh nhập viện trong tình trạng khó thở, tràn khí dưới da vùng mặt, cổ, ngực. Sau khi tiến hành thăm khám có hình ảnh chấn thương vỡ sụn giáp. Người bệnh đã được nhanh chóng tiến hành phẫu thuật xử trí.
Dưới sự chỉ đạo linh hoạt của Ban Giám đốc trong việc điều phối nhân lực, các kíp trực của bệnh viện đã nhanh chóng, kịp thời cấp cứu nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe người bệnh trong tình huống khẩn cấp. Việc cấp cứu, phẫu thuật kịp thời đã giúp người bệnh tránh nguy cơ tổn thương thêm, đồng thời giảm thiểu rủi ro tử vong hoặc các di chứng nặng nề về sau.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh
Qua đây, các bác sĩ bệnh viện cũng khuyến cáo người dân, hãy luôn chú ý và cẩn thận, cần đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, đặc biệt khi trèo lên cao cần trang bị các biện pháp an toàn cho bản thân. Các chấn thương nặng liên quan đến cột sống sẽ rất nguy hiểm hoặc để lại các di chứng nặng nề, có những chấn thương có thể hồi phục hoàn toàn nếu điều trị kịp thời. Nhưng cũng có trường hợp bị tổn thương không thể phục hồi nguy cơ gây liệt. Do vậy khi gặp bất cứ chấn thương gì hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để tiến hành xử trí kịp thời.
Mọi người dân hãy luôn cẩn trọng, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra tai nạn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của bản thân.
Tổ Công tác xã hội